'Ngân hàng không dám từ chối lời kêu cứu của khách hàng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến nay đã trải qua năm tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung lần 1 Thông tư 01/2020 về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến đầu tháng 9 vừa qua, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi lần 2 đối với Thông tư 01, theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ, phạm vi cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn do COVID-19 thêm 6 tháng.

Hiện đã có một số ngân hàng bắt tay vào việc thực hiện chính sách này, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp cho biết chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí theo Thông tư 14.

Độ trễ của chính sách kiểu “dây thun”

Anh Nguyễn Tuấn Hải, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ tại quận Tân Bình cho biết: Tôi có khoản vay 1,2 tỉ đồng tại một ngân hàng cổ phần trụ sở tại TP.HCM với mục đích vay mua đất để xây nhà và được giải ngân từ tháng 1-2019. Khoản vay này có thời hạn là 20 năm. Hiện khoản vay của anh đang có mức lãi suất là 11,8%/năm, mỗi tháng tiền gốc và lãi phải trả là khoảng 15 triệu đồng.

"Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của gia đình, công việc kinh doanh gần như kiệt quệ và gia đình tôi đã gồng hết sức rồi. Từ đầu tháng 9 tới nay, đã 3 lần tôi liên hệ với nhân viên ngân hàng xin giảm lãi vay, nhưng đến giờ vẫn chỉ nhận được câu trả lời là hiện chưa thấy ngân hàng cho vay có hướng dẫn cụ thể và tiếp tục phải chờ”, anh Hải cho hay.

Ông Đinh Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) cho biết: Từ sau khi Thông tư 14 có hiệu lực đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo nào liên quan đến việc giảm lãi suất của ngân hàng. Cách đây chừng 2 tháng khoản vay của công ty ở 2 ngân hàng thương mại vốn nhà nước có điều chỉnh giảm 0,4% và 0,5%/năm so với lãi suất cho vay trước đó.

"Thực sự với một doanh nghiệp có vốn vay lớn thì mức giảm như vậy là quá thấp, không bõ bèn gì. Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, với đủ thứ chi phí của doanh nghiệp phải gánh thì mức lãi giảm tối thiểu phải từ 1 – 1,5%/năm mới xem là hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Tâm nói.

Ở chiều ngược lại, chị Phan Thanh Lạc, quận Gò Vấp cho hay: Hiện tôi có khoản vay 700 triệu, lãi suất 11%/năm, thời hạn vay là 15 năm tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động kinh tế gần như ngưng trệ, người người nhà nhà bị ảnh hưởng và tôi cũng không là ngoại lệ.

"Cách đây nửa tháng tôi có gọi điện cho ngân hàng đề nghị được hỗ trợ do thu nhập bị cắt giảm mạnh và vừa nhận được thông báo giảm 0,5%/năm, tức là lãi suất cho vay của tôi hiện còn 10,5%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi sẽ được thông báo theo từng tháng. Hiện mức lãi suất này chỉ áp dụng trong tháng 9, còn tháng 10 có được hưởng chính sách này không thì chưa biết”, chị Lạc cho hay.

Tuỳ vào nguồn lực của từng ngân hàng mà chính sách hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ khác nhau.

Nỗi lo rủi ro gia tăng nợ xấu sau đại dịch

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng đã có 5 lần liên tiếp chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Với chính sách này, hiện có khoảng 3,1 triệu khách hàng với hơn 1 triệu tỉ đồng dư nợ được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất, tương đương số lãi giảm hơn 4.600 tỉ đồng.

Đối với những khách hàng vay tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng không thể đến ngân hàng làm thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo qui định do khách hàng đang là F0, F1… phải nằm viện hoặc thực hiện tự cách ly thì Agribank chủ động thực hiện thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở xác nhận của khách hàng thông qua các hình thức liên lạc như email, Fax, tin nhắn SMS, Zalo, Viber, Skype…

Đối với lãi suất của thẻ tín dụng, từ kỳ sao kê tháng 8-2021, ngân hàng giảm lãi suất 1% từ 12,7% xuống còn 11,7%/năm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Có thể nói đây là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất thị trường Agribank dành cho các chủ thẻ tín dụng.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó Tổng giám đốc Eximbank chia sẻ: Ngay sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, Eximbank đã triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đủ điều kiện. Tuy nhiên có một nguyên tắc bất di bất dịch là khách hàng khó khăn do COVID-19 thì phải có đơn gửi ngân hàng để được xem xét hỗ trợ.

"Một khi nhận được thông tin yêu cầu ngân hàng hỗ trợ chúng tôi sẽ xem xét mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với từng đối tượng khách hàng cụ thể để đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp như là cơ cấu thời gian trả nợ, hay miễn, giảm lãi vay... Chắc chắn không ai dám quyền từ chối lời kêu cứu của khách hàng trong thời điểm này”, ông Vinh khẳng định.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết thêm: Tuỳ vào nguồn lực của từng ngân hàng mà chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, với việc số ngành nghề bị ảnh hưởng bị dịch COVID-19 đã lan rộng thì khối nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ có nguy cơ tăng mạnh, chỉ chờ thời gian “chín muồi” là bung ra. Nói cách khác tác động của dịch bệnh ảnh đến khách hàng vay vốn càng nặng nề thì nợ xấu của ngân hàng càng có nguy cơ giãn nở lớn hơn.

Do đó, việc ngân hàng hỗ trợ đối với khách hàng sẽ khó có thể kéo dài lâu được mà chỉ trong một khoảng thời gian nào đó. Thậm chí khách hàng kinh doanh du lịch giờ đây muốn vay vốn và có tài sản thế chấp thì ngân hàng cũng không mấy mặn mà. Bởi với tình hình hiện nay thì không biết đến khi nào mọi hoạt động kinh tế nói chung và du lịch nói riêng mới hoạt động bình thường trở lại. Nếu cứ rót vốn cho những hợp đồng vay biết trước đối mặt với nhiều rủi ro thì ngân hàng cũng gặp khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm