Từ ngày 16-8 đến nay, Đà Nẵng áp dụng quy định “ai ở đâu ở yên đó” để tập trung xét nghiệm toàn TP nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thông tin TP áp dụng thêm 10 ngày phong toả cứng vừa được công bố hôm qua đã khiến nhiều người dân đang vay vốn ngân hàng lo sốt vó. Lý do là họ không thể đến ngân hàng để đóng lãi vay khi các khoản nợ đã đến hạn.
Phản ánh của người dân trên facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình.
Trên facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, nhiều người dân đã đăng phản ánh về việc này và mong chính quyền TP, ngành ngân hàng có hướng giải quyết, hỗ trợ. Nếu quá hạn trả lãi vay hoặc thanh toán các khoản nợ, người dân đứng trước nguy cơ bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu, tính thêm lãi quá hạn.
Trao đổi với PLO về việc này, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đà Nẵng, cho hay đang tập hợp kiến nghị của các chi nhánh ngân hàng thương mại để báo cáo Thống đốc NHNN cho chỉ đạo.
Theo ông Minh, thẩm quyền giải quyết vấn đề này không thuộc địa phương. NHNN mới có thể chỉ đạo các ngân hàng thương mại, hội sở chính xử lý. Các chi nhánh ngân hàng ở TP chỉ làm theo cơ chế chính sách, không thể làm khác được.
“Các khoản nợ đang được quản lý bằng hệ thống máy móc, cứ đến hạn mà không trả là tự động chuyển nợ quá hạn, tính lãi quá hạn. Mình không can thiệp được chuyện này, hệ thống máy móc cố định từ hội sở chính rồi. Để Hội sở chính điều chỉnh việc này thì phải có ý kiến của Thống đốc NHNN” – ông Minh lý giải.
Theo ông Minh, bằng thẩm quyền của mình, ông cũng đã báo cáo sơ bộ với lãnh đạo TP để trong văn bản quyết định phong tỏa tiếp theo có thể thêm quy định cho phù hợp với quyền lợi của người dân.
Ngoài ra theo ông Minh, các chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng vẫn còn hoạt động. Nhưng một số phòng giao dịch đã đóng cửa vì không thể làm việc “3 tại chỗ” do không đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.
“Đề nghị lãnh đạo TP cân nhắc tính toán phương án thế nào cho phù hợp nhất, vừa đảm bảo việc chống dịch nhưng vừa đảm bảo giải quyết nhu cầu cần kíp của người dân” – ông Minh nói.