Ngày 11-8, chị A. (chung cư C2 đường Bùi Dương Lịch, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho hay, vừa nhận được thực phẩm do một số cư dân chung cư tự kết nối với đơn vị cung cấp bên ngoài.
Số hàng này được chở về chốt kiểm soát của phường rồi chung cư C2 cử người đại diện ra lấy về phân phát cho người dân.
Hàng chục tấn rau củ quả được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho các khu phong tỏa ở Đà Nẵng. Ảnh: B.T
Ba lần đặt hàng bất thành
Theo chị A., cả chung cư đã ba lần nhận phiếu mua thực phẩm từ các đơn vị cung cấp khác nhau. Tuy nhiên, cả ba lần này người dân đều thất vọng vì bị trả lại phiếu với lý do nhà cung cấp không đủ năng lực.
“Cũng may mấy anh em kết nối được với một đơn vị chở hàng đến chốt kiểm soát. Nhưng chúng tôi ở gần chốt nên mới cử người ra lấy hàng được, còn những khu vực xa hơn thì rất khó. Địa phương lấy lý do đảm bảo an toàn thực phẩm nên phải mua qua nhà cung cấp, nhưng phải có nguồn hàng cho dân chứ cứ hô hào mãi sao được” – chị A. nói.
Tại phường An Hải Bắc, chị X. (tổ 43) phản ánh cả tổ dân phố đặt mua thực phẩm hai lần rồi cũng không được dù đã đổi hai nhà cung cấp. Người dân tại đây đã chủ động tìm nguồn lương thực nhưng bất thành.
Hôm qua (10-8), tổ dân phố có mang về ít rau, thịt từ phường để phân phát nhưng số lượng quá ít khiến người dân bức xúc, thậm chí xích mích với các tình nguyện viên. “Ở đây có một số công nhân ở trọ không còn tiền mua thực phẩm, trong khi cả tổ chưa nhận được tiền hỗ trợ của TP” – chị X. nói.
Cùng chung hoàn cảnh, nhà anh Q. (tổ 49 phường An Hải Bắc) đang rất khó khăn trong việc ăn uống vì có con nhỏ. Cách đây hai ngày, anh Q. phải nhờ bạn bè bên ngoài mua sữa cho con rồi gửi tại chốt kiểm soát để ra lấy.
Anh Q. cho hay đã đặt mua thực phẩm từ cách đây sáu ngày nhưng sau đó được thông báo phải chờ đợi thêm vì chưa có hàng. Đến sáng nay, anh Q. phải nhận lại phiếu và tiền mặt. Chiều nay, anh Q. một lần nữa được thông báo đăng ký mua thực phẩm và tiếp tục chờ.
Số thực phẩm tổ 43 phường An Hải Bắc nhận được ngày 10-8 quá ít khiến người dân không hài lòng. Ảnh: MXQ
Trả lời PV, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, cho hay nhà cung cấp là Công ty cổ phần Vựa Miền Trung không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân nên địa phương đã đổi đơn vị khác. Tuy nhiên, đến chiều hôm qua, đơn vị mới này cũng không chở hàng đúng hẹn.
“Sáng nay chúng tôi làm việc với một đơn vị của quốc phòng và họ hứa chiều nay sẽ cung cấp đầy đủ đơn hàng” – ông Hùng cho hay.
Cần thêm nhiều giải pháp linh động
Theo ông Trần Văn Hùng, phường An Hải Bắc đã nhận được 25 tấn thực phẩm, rau củ hỗ trợ. Hàng về bao nhiêu, phường huy động toàn bộ lực lượng và tình nguyện viên chia nhỏ ra để đưa ngay về các khu phố.
“Hôm qua chúng tôi đã hỗ trợ miễn phí một phần lương thực cho dân. Sáng nay cung cấp thêm hàng chục suất thịt cho các hộ khó khăn. Anh em làm cực khổ lắm. Chỉ có một hai tổ hoặc một vài khu nhà trọ còn sót trường hợp khó khăn, mình cũng đã cố gắng hỗ trợ kịp thời. Giờ mong giải phóng bớt rau củ chứ để lâu sợ hư hỏng, nhưng đưa xuống thì thậm chí có hộ không chịu nhận” – ông Hùng nói.
Trao đổi với PLO, Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi cho hay, hiện vẫn có đơn vị không cung cấp nổi, phần vì mỗi đơn vị có thế mạnh riêng (thịt cá hoặc rau củ…) nên khó lòng đáp ứng 100% như đơn hàng người dân đặt mua.
Trước thực tế một số người dân vượt rào cách ly ra tạp hóa mua hàng có thể làm lây lan dịch bệnh, ông Lợi kêu gọi bà con cố gắng vượt khó thêm ít ngày bởi biến chủng Delta lây rất nhanh. Các tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu đang căng mình giữ cho được các vùng xanh và họ cũng đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Ông Lợi cho hay đang nghiên cứu thí điểm chợ lưu động trong khu phong tỏa như TP.HCM đã làm. Hiện địa phương và các đơn vị liên quan như Sở Công thương, Sở GTVT đang xem xét phương án sử dụng xe buýt tháo ghế để chở hàng, nhưng bài toán mua bán thế nào vẫn chưa thống nhất.
Về nhu cầu sữa cho trẻ em, ông Lợi cho hay đã giao cho Hội Phụ nữ của quận khảo sát từng hộ để nắm nhu cầu từng loại sữa. “Mỗi trẻ mỗi cơ địa, phải uống đúng sữa. Quận sẽ trích tiền hỗ trợ để mua sữa đúng chủng loại cho người dân” – ông Lợi cho biết.
Cũng theo ông Lợi, đánh giá sơ bộ từ 31-7 đến nay, số ca F0 có giảm tại năm phường phong tỏa. Quận đang nghiên cứu giải phóng một số vùng xanh cho người dân đỡ bức bách.
Muôn kiểu phàn nàn của người dân Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi chia sẻ, trong khu phong tỏa rất nhiều tình huống phát sinh mỗi ngày. Trường hợp người dân quá khó khăn, đăng lên facebook mà địa phương xác minh đúng là hỗ trợ ngay. Nhưng có trường hợp đã nhận hỗ trợ rồi vẫn lên facebook phàn nàn. “Mình kêu gọi người dân trong lúc dịch bệnh này cố gắng dùng tạm đơn hàng của nhà cung cấp, nhưng có người yêu cầu mua đồ ăn vặt, trà sữa… thì sao mà cung cấp được. Vì vậy rất mong bà con thông cảm và hiểu cho các cơ quan chức năng của quận” – ông Lợi cho hay. |