Tài liệu mật của Mỹ: Nhóm Wagner tìm cách mua vũ khí của NATO

(PLO)- Theo tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ, công ty quân sự tư nhân Nga Wagner cố gắng mua vũ khí từ một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Với mong muốn tăng cường sức mạnh chiến đấu trong bối cảnh chiến sự Ukraine ngày càng khốc liệt, nhóm lính đánh thuê Wagner đã cố gắng mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Thổ Nhĩ Kỳ (TNK), theo một tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ mà đài CNN thu được.

Theo tài liệu mật, nhân sự của công ty Wagner đã gặp “những người liên hệ với TNK” vào đầu tháng 2 vừa qua với ý định mua vũ khí và thiết bị từ TNK. Theo CNN, những vũ khí này có thể được những lính đánh thuê Wagner đang chiến đấu bên cạnh lực lượng Nga tại Ukraine sử dụng.

Tuy nhiên, không rõ “những người liên hệ với TNK” đó là ai hoặc liệu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có biết về các cuộc gặp này hay không. Hiện cũng không có bằng chứng nào cho thấy TNK đã xúc tiến bất kỳ thương vụ bán vũ khí nào cho công ty Wagner.

Lính đánh thuê Wagner tại TP Soledar (tỉnh Donetsk). Ảnh: TASS

Thông tin về cuộc gặp hồi tháng 2 này được nêu trong một phần của tài liệu bị rò rỉ có tiêu đề là “Mali, Nga, TNK: Wagner tìm kiếm vũ khí từ Ankara”. Điều này cho thấy các quan chức Mỹ tin rằng lực lượng lính đánh thuê Nga ít nhất đã thử tìm mua vũ khí với đầu mối này.

Theo tài liệu mật bị rò rỉ, Wagner cũng đã lên kế hoạch sử dụng vũ khí và thiết bị của TNK ở Mali - nơi nhóm Wagner đang duy trì sự hiện diện đáng kể.

Không chỉ nhắc đến việc Wagner tìm cách mua vũ khí từ TNK, tài liệu còn cho biết Wagner đã lên kế hoạch tiếp tục tuyển lính là tù nhân từ các nhà tù của Nga.

CNN chưa xác nhận độc lập tính xác thực của tài liệu, nhưng nhiều quan chức Mỹ cho rằng hầu hết các tài liệu mật bị rò rỉ gần đây là xác thực.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo đang tích cực xem xét và đánh giá tính xác thực” của các tài liệu bị rò rỉ, đồng thời nói rằng “không thể xác nhận hoặc bình luận về bất kỳ thông tin cụ thể nào trong các tài liệu”.

Hiện CNN đã liên hệ với Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, văn phòng của tổng thống TNK và Đại sứ quán TNK tại Washington để bình luận về tài liệu này.

Là một thành viên NATO, TNK được coi là đồng minh của Mỹ và các nước cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.

TNK cũng đã công khai bày tỏ sự phản đối với cuộc xâm lược của Nga. Đây cũng là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ, nơi cất giữ vũ khí hạt nhân và là một “chốt chặn” để ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Nga với các thành viên NATO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới