Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó có đề cập đến vấn đề an toàn trong sử dụng điện.
Số vụ tai nạn về điện tăng qua các năm
Bộ Công Thương cho biết, thực tế hiện nay các vụ tai nạn về điện có xu hướng tăng cao. Thống kê sơ bộ từ các địa phương, vài năm trở lại đây, bình quân mỗi tỉnh xảy ra 5-8 vụ tai nạn về điện/năm. Đặc biệt, khu vực miền Tây Nam Bộ bình quân 10-15 vụ/năm, cá biệt Cà Mau có năm lên đến 20 vụ, làm chết và bị thương nhiều người, gây hư hỏng tài sản, thiệt hại về kinh tế.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay các nội dung về an toàn sử dụng điện, đặc biệt là an toàn điện trong sinh hoạt và dịch vụ chưa được quy định một cách đầy đủ và hệ thống. Một số vấn đề liên quan đến các hành vi đe doạ an toàn vận hành lưới điện, đe doạ tính mạng và tài sản người dân do tai nạn điện gây ra cũng chưa có quy định cấm. Vì vậy, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Thực tế thì trong Luật Điện lực hiện hành, Điều 58 có quy định về một số nội dung an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ. Đó là “Người sử dụng điện chịu trách nhiệm đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ mua điện đến nơi sử dụng điện…”. Bộ Công Thương cho biết đã cùng các bộ, ngành liên quan ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về điện hạ áp, lắp đặt hệ thống điện trong nhà ở, công trình.
“Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện vẫn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng điện, thiếu quy định về kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và bên cung ứng điện. Đồng thời thiếu các chế tài xử lý vi phạm đối với những vi phạm an toàn điện trong sinh hoạt, dịch vụ. Điều này dẫn tới nhiều công trình nhà ở, văn phòng không đảm bảo yêu cầu chất lượng khi phê duyệt thiết kế, giám sát thi công, nghiệm thu công trình mà chưa có biện pháp xử lý triệt để” - Bộ Công Thương nêu.
Không chỉ vậy, thực tế hiện nay đã và đang xuất hiện các hành vi vi phạm gây mất an toàn điện như tự ý tăng công suất phụ tải sử dụng điện vượt quá nhu cầu đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; tự ý kéo điện sử dụng sai mục đích đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện…
Từ thực tế trên, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải bổ sung vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng điện an toàn; quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện trong quá trình sử dụng điện để làm cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan.
Nhiều tổ chức kiểm định năng lực yếu nhưng vẫn được cấp phép hoạt động
Cũng liên quan đến an toàn điện là vấn đề kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện. Bộ Công Thương cho biết Luật Điện lực hiện hành và Nghị định 107/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định chưa có quy định cụ thể về quy trình kiểm định, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc kiểm định thiết bị, dụng cụ điện.
Hệ luỵ là nhiều tổ chức kiểm định hiện nay có năng lực yếu, không có nhà xưởng, phòng thí nghiệm, quy trình kiểm định, các máy móc thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định có thể đi mượn… nhưng vẫn đáp ứng được điều kiện để cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định theo Nghị định 107/2016.
Do đó, việc cấp phép hoạt động kiểm định cho các tổ chức kiểm định diễn ra ồ ạt, khó kiểm soát về chất lượng và dịch vụ kiểm định. Một số tổ chức kiểm định xin cấp phép để hợp thức hoá việc xuất nhập khẩu thiết bị điện trôi nổi, kém chất lượng, gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực cho thị trường thiết bị điện.
“Hiện nay, quy định về nội dung kiểm định cho từng thiết bị, dụng cụ điện còn thiếu sót, chưa cụ thể hoá các hạng mục kiểm định bắt buộc. Do đó, cần phải thực hiện xây dựng quy trình kiểm định khung quy định chi tiết các hạng mục kiểm định bắt buộc đối với từng loại thiết bị, dụng cụ điện…
Việc bổ sung các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện là cần thiết nhằm giải quyết vấn đề lỗ hổng pháp lý hiện nay, nhằm giảm thiểu các hậu quả trong đời sống dân sinh” - Bộ Công Thương kiến nghị.