Cách làm mà bầu Đức đề cập ở đây là sự cộng hưởng của cả một hệ thống các đội bóng, các HLV và chiến lược của liên đoàn.
Nhìn trận chung kết U-19 Đông Nam Á tại Lào năm ngoái, U-19 Thái Lan thể hiện sự khác biệt đẳng cấp để đè bẹp U-19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn đến 6-0. Nhìn vào thành phần của U-19 Thái Lan mới biết hơn 2/3 đội hình U-19 ấy đã thi đấu trong thành phần các đội dự Thai-League. Trong khi đó các tuyển thủ U-19 Việt Nam thì chẳng có suất nào đá V-League vì còn ưu tiên cho cầu thủ ngoại và vì thành tích mà các đội không dám sử dụng trẻ.
Lứa nòng cốt của U-19 Việt Nam gồm chín cầu thủ PVF thì không có đội đá V-League, tức mỗi năm các tuyển thủ U-19 của Việt Nam đá chưa quá năm, sáu trận tranh giải. Như vậy thì làm sao U-19 Việt Nam thắng nổi U-19 Thái Lan?
Hơn nhau ở cách làm còn là thái độ và trách nhiệm của các HLV cấp CLB. Một CLB chỉ cần đôn vài ba cầu thủ U-19 lên đội 1 không thôi thì khi các đội tuyển U-19 triệu tập, họ cũng sẽ có kinh nghiệm vượt trội. Ở Thái thì có và là bắt buộc, còn ở ta thì các cầu thủ trẻ không có được điều này.
U-19 hay U-21 đều là những lứa tuổi đã tiếp cận với bóng đá người lớn nhưng cầu trẻ của Việt Nam ở lứa tuổi này hầu như không có cơ hội ra sân hoặc khoác áo đội 1 đá giải cao nhất. Tất nhiên như vậy thì đã thua rất nhiều mặt khi các đội tuyển trẻ tập trung.
Bóng đá Việt Nam cũng nhiều lần chú ý mảng này kiểu như mỗi CLB đăng ký giải đấu trong nước thì phải bao nhiêu cầu thủ trẻ được đăng ký, song đây chỉ là lý thuyết…
Từ cái thua về cách làm chúng ta thua cả đầu ra.
Đấy lại là vấn đề thuộc về chiến lược nằm ở chỗ “cái đầu”.