Ngày 6-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hội nghị đại biểu (ĐB) QH hoạt động chuyên trách để góp ý cho dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là dự luật được đánh giá rất phức tạp, đã được QH thảo luận cho ý kiến hai lần nhưng một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau ngay tại hội nghị, dù thời điểm dự kiến trình QH thông qua là vào kỳ họp tháng 10 tới đây.
Kê khai cả họ?
Một trong bốn nội dung UBTVQH xin ý kiến các ĐB chuyên trách lần này là đối tượng kê khai tài sản, thu nhập.
ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng việc xác định đối tượng kê khai là mấu chốt của kiểm soát tài sản, thu nhập. “Năm nào cũng kê khai nhưng không giải quyết được vấn đề gì nhiều trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” - ông Vượt nhận xét và cho rằng nếu chỉ quy định phạm vi người thân phải kê khai như dự thảo thì chưa xoáy vào “tảng băng chìm” là những đối tượng mà nhân dân hoài nghi.
ĐB Vượt sau đó phản ánh mong muốn của cử tri là phải mở rộng diện kê khai bởi “các minh chứng thực tiễn khiến dư luận dậy sóng không thể bỏ qua”. “Nhân dân đều biết, nhiều bố mẹ, ông bà của quan chức bỗng nhiên sở hữu nhiều tài sản chục tỉ, đứng tên nhiều doanh nghiệp, biệt phủ, xe sang... Thậm chí có những dự án vàng, biệt phủ, xe sang được cho là của “thái tử”, của “phò mã”, cậu ấm cô chiêu dù trẻ nhưng có những tài sản khủng, bất chấp dư luận, thách thức dư luận” - ông Vượt nói.
ĐBQH Gia Lai cũng dẫn các vụ án tham nhũng đã xét xử cho thấy nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho cha mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh...
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN
“Riêng tài sản tặng cho “chân dài” chưa bị lộ” - ĐB Gia Lai nói thêm và cho rằng tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa như ma trận, sân trước, sân sau... nhưng cuối cùng vẫn đổ về túi cán bộ.
“Nếu hỏi tham nhũng để làm gì thì câu trả lời chắc chắn là “hy sinh đời bố, củng cố đời con”” - ông Vượt nói tiếp và đề xuất cha/mẹ, ông/bà, vợ/chồng, con cái ruột thịt của quan chức đều phải kê khai tài sản, thu nhập.
Trong khi đó, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) lại nêu quan điểm: Mở rộng đối tượng kê khai ở thời điểm này “khó đảm bảo tính khả thi”, làm cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khó khăn trong quản lý và việc kê khai sẽ lại rơi vào hình thức, gây lãng phí như thời gian qua.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng nếu chiếu theo BLDS, đưa hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai vào diện kê khai thì “vô chừng lắm, quá rộng”. Cạnh đó, nếu yêu cầu những người thân này phải kê khai thì đồng thời cũng phải yêu cầu họ giải trình nguồn gốc tài sản. “Họ nói tài sản không phải của con tôi cho nhưng không giải thích được thì xử lý thế nào khi họ không có chức vụ, quyền hạn, không phải đối tượng tham nhũng” - ông Tám băn khoăn.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Ủy ban Tư pháp, thông tin: Hiện có tới hơn 1,1 triệu bản kê khai tài sản của những đối tượng thuộc diện phải kê khai. “Nếu mở rộng cả cha mẹ và con thành niên thì số lượng mà cơ quan kiểm soát thu nhập phải đi thẩm tra xác minh gần như cả họ nhà người ta. Điều đó rất khó” - ông Sinh nói.
Tài sản không rõ nguồn gốc: Xử lý kiểu nào cũng vướng!
Một vấn đề lớn khác còn có ý kiến khác nhau là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Trước đây Chính phủ đề xuất hai phương án là thu thuế và xử phạt hành chính, tuy nhiên cả hai phương án này đều chưa được các ĐBQH chấp nhận.
Trong dự thảo mới nhất, UBTVQH đề xuất phương án thứ ba, theo đó việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, do vẫn còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị xin ý kiến các ĐBQH về hai phương án: xem xét, giải quyết tại tòa án và thu thuế.
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói ông rất tâm đắc với phương án mới được đề xuất khi mà hai phương án trước đây đưa ra không thuyết phục, không xử lý được tận gốc. “Bản chất của quy định này là không giải trình được thì phải thu hồi. Nó chỉ thêm một bước cẩn trọng, chắc chắn, an tâm hơn đó là để tòa án xem xét, giải quyết, bảo đảm minh bạch, công khai, chặt chẽ hơn” - ĐB Bắc Giang nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, ĐB Đinh Duy Vượt cho rằng xử lý bằng con đường tòa án là phù hợp với quy định của nhiều nước. Ông cũng nhấn mạnh phương án truy thu thuế là khó khả thi, không thực tiễn và dễ bị lạm dụng vì “tài sản của cá nhân mình mà không giải trình, chứng minh được thì rất khó cơ quan nào xác minh được”.
“Tài sản mà không giải trình được nguồn gốc thì chắc có quá nhiều tài sản, từ rất nhiều nguồn. Riêng đất đai, nhà cửa, cổ phiếu thì không thể không giải trình được, bởi theo cái lý thì có gì đó sai sai, ngụy biện” - ông Vượt nói.
Tuy nhiên, có ĐB lại không đồng tình với phương án mới được đề xuất bởi lo tòa sẽ quá tải. Cũng theo ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp), việc đưa ra tòa chỉ cho hai kết quả, một là trả lại toàn bộ số tiền cho “khổ chủ”, hai là tịch thu toàn bộ.
“Nếu đưa ra tòa mà trả lại tài sản, không đánh thuế thì không hợp lý nên tôi ủng hộ đánh thuế. Hơn nữa, đưa ra tòa ai sẽ chịu án phí, cơ quan kiểm soát tài sản đưa ra tòa thì Nhà nước phải đóng án phí, tiền ở đâu mà có, mà án phí đâu có ít đâu” - ông Hòa nói.
Dự luật lần này phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Theo đó, người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm... |