Nhiều người Việt mình có thói quen xài đồ miễn phí, đợi đến 30 Tết ngày cuối cùng của năm cũ, mới mua hoa sắm Tết để ép giá, với tâm lý chủ vườn phải xổ rẻ, đỡ tốn khoản thuê xe chở về. Thậm chí, có người chỉ đợi hôi của, đợi chủ vườn vứt ra đó rồi đi nhặt về… chưng Tết.
Nhà vườn đập vỡ từng giỏ hoa vì không muốn bị hôi của. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đây là năm thứ 3 tôi ở lại ăn Tết ở Sài Gòn. Ba năm liền, cứ độ tầm 12h trưa 30 Tết, thời điểm cuối cùng để người bán hoa thu dọn trả lại mặt bằng cho thành phố, có người chấp nhận xổ rẻ thật, nhưng cũng có nhiều chủ vườn không bán hết họ đã tự tay đập nát từng giỏ hoa. Họ vừa đập nát từng giỏ vừa khóc.
Công chăm bẵm mấy tháng thậm chí cả năm trời, tự tay phá ai không xót, nhưng vì muốn giữ giá cho hoa năm sau, không muốn để người khác có cơ hội hôi của, họ đành làm vậy. Hàng trăm giỏ hoa bị xúc lên xe rác chở đi đổ.
Kinh doanh tồn tại theo quy luật cung cầu: thuận mua vừa bán. Tôi không đi van thuê khóc mướn. Tâm lý 30 mới đi mua hoa ngày tết cũng một phần do người bán nói thách, hét giá quá cao mà ra. Nhiều tiểu thương vì ăn lãi quá dày, hét giá trên trời những ngày đầu, khiến người dân bị hớ nặng. Chính những người làm vườn tham lam cũng đã góp phần tạo nên thói quen mua hàng chiều 30 Tết.
Tuy nhiên từ thực tế ở lại ăn Tết mấy năm nay, tôi nhận thấy, việc đợi 30 Tết mới mua hoa xổ rẻ, có thể mua được rẻ hơn thật nhưng hóa ra lại không rẻ.
Một cặp bông vạn thọ 25 Tết bán 150.000 đồng, nhưng 30 Tết khả năng chỉ còn 80.000-100.000 đồng. Nhưng chậu bông 30 Tết đã không còn là chậu bông ngày đầu nữa: hoa đã nở bung xòe, lá bị dập. Tất nhiên những cây thế đẹp, dáng đẹp cũng bị người ta mua sạch rồi.
Mua sớm chọn được cây đẹp, thế đẹp
Cây kiểng vừa chuyển từ nhà vườn lên Sài Gòn còn căng tràn sức sống nhưng cây để bám bụi khói vài ngày, dù có được chăm nom cẩn thận cũng tả tơi. Đó là chưa kể một số cây kiểng chưng Tết đẹp, người ta đua nhau đến chụp hình làm rụng trái, rụng hoa. Trẻ con nhìn quả thích mắt, thò tay vặt sạch.
Rồi mua về không biết chăm sóc, cây đã tã còn tã hơn nên chưng chưa đến mồng 3 Tết đã héo rũ, quất rụng sạch trái lại hỏi sao mua phải đồ rởm, đồ phun thuốc. Đâu phải tự nhiên cha ông từ ngày xưa đã có câu: “Tiền nào của nấy”, “Của rẻ là của ôi”.
Tiền của nhà vườn hay tiền của người đi mua hàng cũng là tiền mồ hôi nước mắt. Trả giá cứ trả, nhưng thấy giá cả phải chăng thì cứ mua thôi, sao cứ đợi 30 Tết mới đi ép giá nhà vườn.
Tết mà, ép giá quá đáng để có chậu cây rẻ mạt thì niềm vui ngày Tết cũng đâu còn trọn vẹn!
“Một năm có mỗi mấy ngày Tết, chơi Tết là chưng từ trước đó chứ đâu phải 29, 30 mới đi mua. Rẻ vài đồng mà mất vui.
Người ta làm được chậu bông cực lắm, tui đứng đây nãy giờ muỗi đốt quá trời, người ta còn phơi nắng phơi gió, tối nằm đây canh bông luôn. Mua sao mình thấy không hoang phí là được”. (Bà Võ Thị Hiền Lương, Gò Vấp) |