Cùng với việc bố trí phòng xử án để luật sư (LS) ngồi ngang hàng với kiểm sát viên và bỏ vành móng ngựa, thay bằng “bục” của bị cáo thì trang phục của thẩm phán tòa án các cấp cũng được thay bộ vest, áo sơmi dài tay bằng chiếc áo choàng. Việc mặc áo choàng của thẩm phán đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chính thức quy định.
Đây là nét mới trong thay đổi của ngành tòa án, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn việc thẩm phán mặc áo choàng còn hội thẩm nhân dân (HTND) tuy quyền hành ngang hàng với thẩm phán nhưng lại không được mặc áo choàng.
Thẩm phán mặc áo choàng, LS cũng có đồng phục
Nếu ai từng chứng kiến vào sáng 7-11-2016, tại phiên họp để xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã cho ra mắt chiếc áo choàng đỏ. Khi tất cả thành viên hội đồng thẩm phán đều mặc áo choàng thì ai cũng thấy đẹp mắt và uy nghiêm. Sau đó, các tòa án được chọn làm thí điểm cũng cho ra mắt những chiếc áo choàng khác nhau, tùy thuộc vào ngạch thẩm phán (sơ cấp, trung cấp, cao cấp).
Tại phiên họp ngày 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết kể từ 1-1-2018, tất cả thẩm phán trên cả nước sẽ mặc trang phục xét xử mới là áo choàng. Việc thay đổi trang phục xét xử là cần thiết để nâng cao hình ảnh cao đẹp của người đại diện công lý khi xét xử.
Chẳng riêng gì thẩm phán mà đối với người bào chữa là LS cũng có trang phục thống nhất theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐLSTQ của Liên đoàn LS Việt Nam quy định trang phục LS khi tham gia phiên tòa.
Theo đó, kể từ 10-10-2011, các LS bắt buộc phải mặc trang phục thống nhất khi tham dự phiên tòa, theo mẫu: áo vest và quần âu màu đen, áo sơmi trắng; cravat màu xám lông chuột do Liên đoàn LS may thống nhất. Cạnh đó, LS phải đeo huy hiệu có biểu tượng logo của Liên đoàn LS trên ngực trái của áo trang phục. Trang phục thống nhất nêu trên áp dụng chung cho cả LS nam và LS nữ; mùa hè LS có thể không cần mặc áo vest.
Việc mặc trang phục thống nhất theo quy định chẳng những tạo hình ảnh và vị thế của LS được nâng cao mà còn góp phần làm không khí phiên tòa thêm nghiêm trang.
Hiện thẩm phán thì mặc áo choàng, còn hội thẩm nhân dân thì mặc áo vest trong lúc xét xử. Ảnh: HTD
Không công bằng với hội thẩm
Cũng phải nói thêm rằng nhiều nước trên thế giới, thẩm phán đã không còn mặc áo choàng, đội tóc giả nữa. Những nước này họ cho rằng chiếc áo choàng chẳng nói lên điều gì khi anh là một quan tòa, thậm chí họ còn cho rằng chiếc áo choàng là biểu hiện của chế độ quân chủ lập hiến nên bỏ.
Trước đây, vào những năm 2000, khi Bộ Tư pháp còn quản lý tòa án địa phương, Bộ Tư pháp cũng đã bàn về trang phục cho thẩm phán. Lúc đó Bộ đã đưa ra nhiều kiểu áo choàng khác nhau cho các ngạch thẩm phán. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên điều đó không thực hiện được.
Việc thẩm phán mặc áo choàng hay bộ vest cũng chỉ là hình thức chứ không làm thay đổi bản chất của tòa án. Tuy nhiên, nếu thẩm phán mặc áo choàng cũng ít nhiều thể hiện sự khác biệt giữa quan tòa với người khác trong phòng xử án.
Sau khi TAND Tối cao tổ chức thí điểm tại nhiều tỉnh, thành, đa số thẩm phán đồng tình với chủ trương mặc áo choàng nên đã chính thức trình với UBTVQH để quyết định cho thẩm phán mặc áo choàng theo mẫu thiết kế thống nhất của TAND Tối cao.
Tuy nhiên, trang phục của HTND thì vẫn thực hiện theo Nghị quyết số 214/2016/UBTVQH13 ngày 13-6-2016 của UBTVQH. Tức mùa hè thì hội thẩm mặc quần âu, áo sơmi trắng; mùa đông là bộ vest, áo sơmi dài tay.
Chính sự phân biệt này đã làm cho nhiều người, từ người trong cuộc là HTND đến giới LS và cả thẩm phán cũng cảm thấy có gì đó không công bằng.
Hội thẩm cũng nên mặc áo choàng
Trang phục xét xử là để nâng cao hình ảnh cao đẹp của người đại diện công lý khi xét xử. Nhưng chỉ có thẩm phán được mặc áo choàng còn hội thẩm thì không là chưa quan tâm đúng mức đến HTND, sẽ làm cho HTND thấy chính mình bị phân biệt.
Tại sao HTND cũng ngang quyền với thẩm phán lại không được mặc áo choàng như thẩm phán? Sự bất bình đẳng này đã ít nhiều làm cho HTND suy nghĩ bị phân biệt đối xử, bị “lép vế” và tủi thân khi bị coi là “phụ thẩm”!
Nhiều ý kiến, trong đó không chỉ có HTND mà ngay cả thẩm phán cũng ủng hộ việc HTND mặc áo choàng như thẩm phán. Và nếu tất cả thành viên HĐXX đều mặc áo choàng thì nhìn rất hài hòa, đẹp mắt và uy nghiêm.
Thiết nghĩ UBTVQH và TAND Tối cao nên trang bị áo choàng cho cả HTND. Có như thế mới tạo sự đồng bộ, thống nhất về trang phục xét xử của HĐXX, góp phần làm tăng tính trang trọng, uy nghiêm của phiên tòa.
Hội thẩm khác xa bồi thẩm đoàn Việc không cho HTND mặc áo choàng như thẩm phán có nhiều ý kiến cho rằng như vậy là không thể hiện sự bình đẳng giữa hội thẩm với thẩm phán. Điều này vô hình trung coi hội thẩm ở Việt Nam cũng như “bồi thẩm đoàn” ở các nước, mà ở đó chế độ “bồi thẩm đoàn” của họ khác hội thẩm ở ta nhiều lắm! Có nước theo danh sách cử tri, không phải phân biệt giới tính, lứa tuổi như Úc, Thái Lan, Nhật Bản, Anh quốc… Ngay đối với các nước có mô hình tố tụng thẩm vấn như Đức, Pháp và các nước Đông Âu thuộc Xô Viết cũ, chế độ “bồi thẩm đoàn” cũng không giống hội thẩm ở Việt Nam. Hội thẩm ở Việt Nam là thành viên HĐXX; tại phiên tòa có quyền và nghĩa vụ như thẩm phán chuyên môn. Hiến pháp và luật Việt Nam đã ghi nhận: “Khi xét xử, HTND ngang quyền với thẩm phán”. |