Tại sao tàu sân bay thứ 2 TQ khiến Ấn Độ phải bất an?

Hãng tin Bloomberg nhận định sự kiện Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ hai của nước này, dự kiến sớm nhất trong tuần này sẽ mở đầu cho khoảng thời gian “ăn không ngon, ngủ không yên” của Ấn Độ. Chiếc tàu sân bay lớp Type 001A dự kiến được đặt tên Sơn Đông sẽ tạo lợi thế lần đầu tiên cho Trung Quốc trong cuộc đua tàu sân bay với đối thủ châu Á của nước này - Ấn Độ với nghĩa đen là lợi thế 2 đối 1.

Sau khi đưa tàu sân bay INS Viraat ra khỏi biên chế vào đầu năm nay, Hải quân Ấn Độ chỉ còn một hàng không mẫu hạm duy nhất, đó là INS Vikramaditya. New Delhi càng áp lực hơn khi tàu sân bay Sơn Đông được đóng hoàn toàn nội địa tại xưởng tàu Đại Liên của Trung Quốc trong khi INS Vikramaditva chỉ là một tàu sân bay của Liên Xô những năm 1980 được tân trang lại. Tàu này trước đây còn được biết tới với cái tên Đô đốc Gorshkov.

Thậm chí quan trọng hơn những con số này chính là sự vượt trội của Trung Quốc đã phản ánh được điều gì về năng lực của Ấn Độ trong việc bảo đảm an ninh cho sân sau của nước này - khu vực Ấn Độ Dương. Các nhà chiến lược hải quân Trung Quốc ngày càng tham vọng sẽ mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Ấn Độ Dương. Theo một chuyên gia giấu tên, Trung Quốc cần hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương và hai tàu sân bay khác ở Ấn Độ thì đã đủ giành lợi thế trước Ấn Độ.

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đang được đóng tại xưởng tàu ở TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ảnh: WEIBO

Trong khi đó, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng mong muốn tái sinh nền quân sự nước này. Ấn Độ ngày càng cho phép nền quốc phòng nước này tiếp xúc với các nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài và đang xây dựng quan hệ gần gũi hơn với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ngân sách dành cho quốc phòng đã giảm đi. Tồi tệ hơn, chính phủ Ấn Độ dường như không tính toán kỹ lưỡng sẽ tận dụng các nguồn lực hiếm hoi đó như thế nào.

Về phần mình, Hải quân Ấn Độ hiện thực hiện chiến lược chú trọng hơn vào các nhóm tác chiến tàu sân bay. Quan điểm được đưa ra có nội dung rằng Ấn Độ phải thống trị khu vực Ấn Độ Dương và nước này cần sở hữu các tàu sân bay thì mới có thể tăng cường năng lực xa bờ. Tuy nhiên, New Delhi đã phí quá nhiều thời gian và tiền bạc cho tàu sân bay Đô đốc Gorshkov mua lại từ Nga. Kế hoạch đưa con tàu tới Ấn Độ đã trễ sáu năm và gấp ba lần chi phí so với các hứa hẹn được đưa ra trước đó.

Mặt khác, các nỗ lực của Ấn Độ nhằm phát triển một tàu sân bay nội địa thậm chí cũng cho thấy các vấn đề. Theo kế hoạch, Hải quân Ấn Độ sẽ đặt tên, đưa vào biên chế tàu sân bay INS Vikrant tự đóng vào năm tới. Tuy nhiên, con tàu được cho là thậm chí sẽ chưa được trang bị các tên lửa phòng không vào thời điểm đó. Đồng thời, tàu sân bay Vikrant sẽ chỉ sẵn sàng chiến đấu trong năm 2023, trễ so với kế hoạch ban đầu tới tám năm.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ. Ảnh: JEJAK TAPAK

Đồng thời, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ cũng không địch lại chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp bốn lần của Ấn Độ và dĩ nhiên ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh lớn hơn New Delhi ít nhất ba lần là điều đương nhiên. Trung Quốc đã tiếp cận với sự không tương xứng này bằng một chiến lược rõ ràng hơn cũng như sự ước tính sáng suốt hơn về sức mạnh của láng giềng nước này. Bloomberg cho rằng thay vì tập trung vào việc “ăn thua” với hạm đội tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc trước đây nhấn mạnh vào các vũ khí như tên lửa đạn đạo và tàu ngầm, phản ánh chiến lược thời Chiến tranh lạnh hết sức thành công của Liên Xô. Chỉ tới bây giờ khi lợi ích và năng lực tăng lên, Trung Quốc mới đầu tư các nguồn lực vào việc phát triển các đội tác chiến tàu sân bay cho nước này.

Trái lại, chiến lược đẩy mạnh đầu tư tân trang tàu sân bay thứ nhất của Ấn Độ đã làm tiêu hao nguồn lực của hải quân nước này, khiến chỉ còn 13 tàu ngầm truyền thống hiện nằm trong biên chế. 11 trong số 13 tàu này lại có tuổi đời hơn 25 năm. Ấn Độ cũng không thể địch nổi sự vượt trội về số lượng của Trung Quốc, cụ thể 70 so với con số 15 của New Delhi xét về số tàu ngầm có các vũ khí chống ngầm chuyên biệt, trong đó có trực thăng. Ấn Độ hiện có ít hơn 30 trực thăng chống ngầm có tuổi đời cũ kỹ với chiếc trực thăng đầu tiên được mua vào năm 1971.

Theo Bloomberg, vấn đề của Ấn Độ không phải là thiếu tiền, mà là ở chỗ thiếu suy tính và dũng khí chính trị. Các tàu sân bay thường có kích thước lớn và hết sức oai phong, giúp tăng niềm tự hào dân tộc. Một chiến lược sáng suốt hơn dành cho Ấn Độ vào lúc này là rằng Ấn Độ cần đảm bảo hạm đội tàu ngầm và các vũ khí chống ngầm của nước này có đủ năng lực để ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát Ấn Độ Dương. Và mối quan hệ thân cận hơn giữa Ấn Độ với hải quân các nước khác sẽ giúp lấp đầy khoảng trống này.

Điều đó đòi hỏi phải có sự đánh giá tinh tường về năng lực quốc phòng và kinh tế hiện nay của Ấn Độ, một vấn đề mà New Delhi không đưa ra sự đánh giá rõ ràng tương tự Sách trắng quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ may mắn đã bắt đầu các hoạt động huấn luyện vơi Mỹ và các đối tác khác như Nhật Bản. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định trong lúc Ấn Độ cân nhắc sẽ đầu tư ngân sách vào đâu cho đúng chỗ thì nước này trước hết sẽ trải qua một giai đoạn “ăn không ngon, ngủ không yên” để ngăn Trung Quốc thống trị sân sau của nước này - khu vực Ấn Độ Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm