Tài xế có được từ chối khi CSGT đo nồng độ cồn?

Vi phạm về nồng độ cồn luôn là một trong những chuyên đề được lực lượng CSGT tập trung xử lý nghiêm. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua.

Ghi nhận thực tế quá trình xử lý lỗi vi phạm trên, CSGT gặp rất nhiều tình huống khó xử. Bởi bên cạnh những tài xế chấp hành hiệu lệnh, không ít ma men luôn tìm cách chống đối lực lượng chức năng.

Đủ chiêu trò đối phó

Chiêu trò phổ biến nhất các tài xế thường đối phó với cảnh sát khi bị kiểm tra nồng độ cồn là để lại xe rồi bỏ đi. Mở đầu cho việc này là thái độ bất hợp tác, né tránh khi bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

Điển hình là tối 22-5 vừa qua, tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) phát hiện một chiếc ô tô có nhiều biểu hiện nghi vấn. Bước xuống xe, tài xế nồng nặc mùi rượu bia nhưng lại cương quyết không chịu làm việc.

Dù được CSGT nhiều lần giải thích, người này vẫn bỏ lại xe rồi rời đi khiến lực lượng chức năng phải lập biên bản tạm giữ phương tiện.

Tương tự, trước đó một ngày, tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một người đàn ông đã rút chìa khóa, vứt xe lại rồi đi thẳng vào cơ quan gần đó. Khi được CSGT yêu cầu ra làm việc, người này chống đối vì cho rằng không có vi phạm gì nên không thực hiện theo yêu cầu.

Chiêu trò tiếp theo các ma men sử dụng là nhất quyết không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Rất nhiều trường hợp từ chối thổi vì cho rằng mình không hề uống rượu bia, không say. Có người thổi nhưng chỉ lấy một ít hơi nên máy không thể đo chỉ số. Không ít người chỉ ghé miệng vào ống chứ không chịu thổi.

Ngoài ra, các tài xế cũng nghĩ ra nhiều cách đối phó khác như dắt xe qua chốt CSGT, đổi tài xế khi nhìn thấy cảnh sát từ xa, viện cớ đang uống thuốc nên có nồng độ cồn cao…

Một tài xế cương quyết không chịu kiểm tra nồng độ cồn, bỏ xe lại rồi rời đi. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đều bị xử lý nghiêm

Tình trạng các tài xế tìm cách đối phó khi bị kiểm tra nồng độ cồn không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, trong những tình huống như vậy, lực lượng chức năng vẫn luôn xử lý nghiêm theo quy định.

Đơn cử như việc để lại phương tiện rồi bỏ đi, tài xế vẫn sẽ bị xử phạt với hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Thượng úy Chu Mạnh Dũng, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội), cho biết: Theo Điều 5 Nghị định 46/2016, nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, tài xế ô tô và các loại xe tương tự sẽ bị xử phạt 16-18 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 4-6 tháng.

Với trường hợp cụ thể của tài xế ô tô đã nói ở trên (không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn), tổ công tác của Đội 6 đã ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng, tước GPLX năm tháng.

Tương tự, cũng theo Điều 6 nghị định này, tài xế mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự sẽ bị xử phạt 3-4 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước GPLX 3-5 tháng nếu không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Như vậy, nếu không chịu thổi vào máy đo, dù chưa cần biết nồng độ cồn trong hơi thở là bao nhiêu, tài xế vẫn sẽ bị xử phạt ở khung cao nhất của hành vi vi phạm này. Việc bỏ lại phương tiện hoặc cố tình không kiểm tra nồng độ cồn rõ ràng không có lợi gì.

Một lãnh đạo cấp phòng của Cục CSGT nhận định: Việc các tài xế đối phó khi bị kiểm tra càng đòi hỏi kỹ năng xử lý của chính lực lượng CSGT. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cần linh hoạt, khéo léo, mềm mỏng hoặc cương quyết đúng thời điểm.

Theo vị này, việc dắt xe qua chốt nhằm né bị phạt chính là một hình thức chống đối. Để có thể xử phạt, CSGT phải chứng minh tài xế vi phạm khi đang điều khiển phương tiện giao thông, bởi thực tế lúc đó họ đang dắt xe chứ không điều khiển phương tiện. Cách chứng minh có thể bằng camera nghiệp vụ, người làm chứng…

Dù vậy, nếu hành vi dắt xe gây cản trở giao thông (ví dụ dắt ra giữa đường) thì tùy tính chất, mức độ, CSGT sẽ nhắc nhở, tuyên truyền hoặc có thể xử phạt.

“Họ đối phó để tránh việc bị phạt nhưng hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe là rất nguy hiểm cho cộng đồng. Việc xử phạt nhằm nâng cao ý thức của chính tài xế chứ không ai khác” - vị CSGT nhấn mạnh.

Sẽ tăng nặng mức phạt

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo dự thảo, đối với tài xế ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, mức phạt tiền sẽ lên tới 26-30 triệu đồng và tước GPLX 10-12 tháng, thay vì mức phạt tiền 16-18 triệu đồng và tước GPLX 4-6 tháng như hiện nay.

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy, hành vi trên sẽ bị xử phạt ở mức 7-8 triệu đồng, tước GPLX 10-12 tháng, thay vì mức phạt tiền 3-4 triệu đồng và tước GPLX 3-5 tháng như hiện nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm