Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết, tối ngày 8-3, Đội CSGT Tuần tra – Dẫn đoàn (trực thuộc Phòng) đã tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đối với các tài xế ô tô trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).
Đội CSGT Tuần tra - Dẫn đoàn (Phòng PC08 Công an TP.HCM) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: N. BÌNH
Theo đó, lực lượng chức năng chốt chặn từ 22 giờ để đón lõng, kiểm tra bất ngờ đối với lái xe ô tô nhân ngày Quốc tế Phụ nữ.
Lực lượng CSGT đã áp dụng thiết bị đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Lúc này, tài xế chỉ cần ngồi trên xe và nói một vài câu đơn giản thông qua máy kiểm tra định tính, sẽ lập tức phát hiện ra nồng độ cồn trong hơi thở. Nếu thấy tài xế có cồn, CSGT sẽ yêu cầu cho xe vào lề đường để đo lại bằng cách thổi vào thiết bị đo định lượng khác để xác định mức cồn.
CSGT đã kiểm tra 40 trường hợp, phát hiện 5 tài xế có cồn. Ảnh: N. BÌNH
Trong quá trình kiểm tra, CSGT phát hiện một ô tô có dấu hiệu nghi vấn. Trên xe, tài xế này đang chở hai người bạn. Thông qua máy kiểm tra định tính, lực lượng chức năng xác định tài xế cồn trong hơi thở nên đã yêu cầu anh xuống xe để thổi vào máy đo cồn định lượng để xác định mức độ vi phạm.
Tuy nhiên khi xuống xe, tài xế bất ngờ yêu cầu được uống nước trước khi thổi nồng độ cồn.
Tài xế có cồn yêu cầu được uống nước trước khi thổi lại bằng máy đo định lượng. Ảnh: N. BÌNH
Nghe vậy, CSGT không chấp nhận yêu cầu này nên tài xế cũng một mực không thổi nồng độ cồn. Mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, yêu cầu nhưng tài xế này một mực đòi uống nước. Vì vậy, CSGT đành lập biên bản đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra cồn.
Khi CSGT lập biên bản xong, tài xế này lại bất ngờ không chịu ký biên bản và cho rằng CSGT không có căn cứ để lập biên bản anh. “Tại vì bất ngờ quá, tôi đang khát nước nên phải xin uống nước. Nhiều khi tôi có uống nhưng đâu chắc là tôi uống nhiều. Nếu tôi uống trong phạm vi cho phép thì tại sao không được uống? Bia, rượu chỉ là thức uống giải khát có ga, có cồn thôi mà” – vị này biện minh.
CSGT đã lập biên bản không chấp hành hiệu lệnh với mức phạt kịch khung.
Một tài xế khác khi thấy CSGT liền đổi tài, nhưng đã bị CSGT phát hiện. Ảnh: N. BÌNH
Một trường hợp khác, CSGT cũng phát một chiếc xe ô tô 7 chỗ có dấu hiệu vi phạm nên CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Thấy công an, tài xế xe này đã đổi cho người khác sang cầm lái nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, CSGT đã phát hiện và yêu cầu tài xế hợp tác. Sau khi đo nồng độ cồn, lực lượng chức năng xác định tài xế có nồng độ cồn là 0,393 mg/lít khí thở nên đã lập biên bản xử phạt.
Sau gần 2 giờ làm việc, CSGT đã kiểm tra nồng độ cồn đối với 40 tài xế và lập biên bản đối với 5 trường hợp vi phạm cồn.
Trung tá Trương Tiến Sĩ - Phó Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra - Dẫn đoàn cho biết, cho biết, đường Phạm Văn Đồng là tuyến đường đẹp nhất nội đô, vỉa hè rộng, mát mẻ nên nhiều hàng quán mở ra dọc hai bên đường.
Từ đó, nhiều người đi nhậu về nhưng vẫn điều khiển xe gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người tham gia giao thông khác.
“Nhiều người sử dụng rượu bia nhưng khi CSGT kiểm tra thì trốn tránh, tìm mọi cách để không bị kiểm tra, giả vờ nghe điện thoại hay xin đi vệ sinh, né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp sử dụng quá nhiều rượu bia còn phản ứng tiêu cực, chống lại người thi hành công vụ”, Trung tá Sĩ nhấn mạnh.