Tài xế tại TP.HCM sắp được xét nghiệm COVID-19

Chiều 10-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến để bàn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Xử phạt hàng trăm người không đeo khẩu trang

Báo cáo về tình hình người mắc COVID-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP hiện có tám ca mắc COVID-19 liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng và một ca được cách ly sau khi nhập cảnh.

Ngoài ra, TP cũng đang tiếp nhận hai ca tái dương tính sau khi xuất viện từ BV Bệnh nhiệt đới trung ương và BV Bệnh nhiệt đới Hải Dương. Hai ca này hiện không sốt, ho và khó thở.

Tính đến 8 giờ ngày 10-8, đã có gần 51.500 người từng đến Đà Nẵng kể từ ngày 1-7 khai báo y tế tại 24 quận, huyện. TP đang cách ly và theo dõi 305 người có triệu chứng viêm hô hấp. Không trường hợp nào có triệu chứng nặng, 230 trường hợp đã có kết quả âm tính, 75 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết sau năm ngày áp dụng biện pháp xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng, báo cáo từ 21 quận, huyện đã xử phạt được 841 người với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng.

Chủ trì cuộc họp giao ban, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hoan nghênh các địa phương xử phạt người không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch. Từ hôm bắt đầu xử phạt (5-8) đến nay, huyện Củ Chi là đơn vị phạt nhiều nhất với 123 trường hợp bị xử phạt không đeo khẩu trang. “Quận 9, huyện Nhà Bè và Cần Giờ chưa thấy xử phạt ai cả. Có lẽ ba đơn vị này đang chấp hành nghiêm nên không ai bị xử phạt” - ông Phong nói và đề nghị các đơn vị này kiểm tra lại.

Lực lượng chức năng quận 1, TP.HCM trong ngày ra quân xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên tài xế, tiểu thương

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, TP vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Theo ông Phong, là đô thị lớn và có độ mở kinh tế cao, TP sẽ bị tác động nặng nề bởi tình hình thế giới và khu vực nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Do đó, ông Phong đề nghị các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm Thông báo 283 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của người dân, thực hiện các biện pháp chống dịch với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn và khẩn trương hơn.

Để phòng, chống dịch tốt hơn, ông Phong cũng yêu cầu các đơn vị chú trọng từng khâu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ. “Chúng ta phải luôn nhớ bảo vệ sức khỏe người dân là mục tiêu cao nhất và là tối thượng” - ông Phong nói và cho rằng các biện pháp phải linh hoạt để vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch có hiệu quả.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế tập trung rà soát, phát hiện nhanh các nguồn lây bệnh, ứng dụng Bluezone để truy tìm các trường hợp có nguy cơ lây bệnh. Sở Y tế cũng cần phối hợp với Đà Nẵng để theo dõi sức khỏe của 625 du khách hiện còn lưu trú ở Đà Nẵng và có phương án cách ly kịp thời khi về TP.HCM. “Bởi vì cảng vụ hàng không thông báo sẽ bố trí một chuyến bay vào ngày 13-8 và hai chuyến bay vào ngày 14-8 để đưa các du khách trên về lại TP.HCM” - ông Phong nói.

Ông Phong cũng đề nghị bí thư đảng ủy, giám đốc các bệnh viện không được phép lơ là, chủ quan để dịch bệnh xảy ra tại bệnh viện của mình.

Bốn bệnh nhân của Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh

Ngày 10-8, Bộ Y tế cho biết bốn bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh, đó là các bệnh nhân BN423, BN424, BN441, BN442. Trong số này có ba bệnh nhân người Đà Nẵng và một bệnh nhân người Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng đang điều trị cho 242 bệnh nhân nhiễm COVID-19, đến nay đã có nhiều bệnh nhân âm tính từ một đến bốn lần. 

Kích hoạt lại chương trình khám bệnh tại nhà

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị kích hoạt chương trình khám bệnh tại nhà cho người trên 60 tuổi và công khai danh sách các bệnh viện khám tại nhà. Cùng đó là huy động các y, bác sĩ giỏi để điều trị cho các ca nhiễm, không để xảy ra các trường hợp tử vong và lây chéo cho cán bộ y tế.

“Sở Y tế nên lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên các đối tượng có nguy cơ như tài xế, nhân viên nhà hàng, tiểu thương chợ đầu mối...” - ông Phong nói và lưu ý riêng với lãnh đạo quận 8 cần có biện pháp kiểm tra và ngăn chặn dịch ở chợ đầu mối Bình Điền, bởi nếu ở đây có một ca nhiễm thì lây lan rất nhanh.

Ông Phong cũng đề nghị đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế đủ năng lực xét nghiệm, không để thiếu trang thiết bị phòng, chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn chặt chẽ các đơn vị mua sắm trang thiết bị, không để xảy ra tiêu cực.

Đối với Công an TP.HCM, ông Phong đề nghị phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát người nước ngoài quá hạn tạm trú ở Việt Nam. Công an TP cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm, kể cả xử lý hình sự các trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, trốn cách ly, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ, đầu cơ găm hàng tăng giá, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng...

Đối với Sở Công Thương, ông Phong đề nghị thời gian tới cần đẩy mạnh dự trữ, bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống, cung cấp đủ lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân với giá cả phù hợp.

Theo ông Phong, dịch bệnh khiến cho nhiều doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động dẫn đến người lao động mất việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, những người khó khăn và yếu thế của xã hội. Do đó, ông yêu cầu các ngành, các cấp tập trung khai thác tối đa các cơ hội trong phòng, chống dịch, chủ động thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó ông lưu ý đến các ngành công nghiệp, dịch vụ mới gắn với thương mại điện tử và chương trình chuyển đổi số.

Thêm sáu ca nhiễm mới, ba ca tử vong

Chiều 10-8, Bộ Y tế công bố thêm sáu ca mắc COVID-19 mới, trong đó một ca ở Quảng Nam, bốn ca ở Đà Nẵng và một ca nhập cảnh tại TP.HCM.

Cụ thể: BN842 là bệnh nhân nam, tám tuổi, TP Hội An, Quảng Nam, là cháu ngoại của BN774; BN843 là bệnh nhân nữ, 65 tuổi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, là vợ của BN800; BN844: Bệnh nhân nữ, 31 tuổi, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng; BN845: Bệnh nhân nữ, 28 tuổi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; BN844, BN845 là nhân viên y tế tại BV Đà Nẵng. BN846: Bệnh nhân nam, 17 tuổi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng; BN847: Bệnh nhân nam, 44 tuổi, ngày 4-8, người này từ đảo Guam (Hoa Kỳ) trên chuyến bay OAE423 nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, thông tin về ba trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19.

Đây là ca tử vong do COVID-19 thứ 12, 13 và 14 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam, cụ thể như sau: BN430: Nữ, 33 tuổi, địa chỉ phường Hải Châu II, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, tử vong vào lúc 0 giờ 30 ngày 10-8. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán viêm phổi nặng do COVID-19, biến chứng suy đa tạng không hồi phục, sốc nhiễm trùng nhiễm độc trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc màng bụng chu kỳ và suy tim tăng huyết áp; BN737: Nữ, 47 tuổi, địa chỉ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân tử vong lúc 1 giờ 15 ngày 10-8 với chẩn đoán nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ và mắc COVID-19; BN436: Bệnh nhân nam, 66 tuổi, quê quán: Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bệnh nhân tử vong lúc 9 giờ ngày 10-8 với chẩn đoán viêm phổi cấp do COVID-19 trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

HÀ PHƯỢNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm