Tài xế xe tải liên quan vụ tai nạn với xe Mercedes trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ phải đối mặt với mức phạt ra sao?

(PLO)- Tài xế liên quan đến vụ tai nạn rồi rời khỏi hiện trường sẽ bị phạt tiền và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rạng sáng hôm qua (8-12), trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vụ tai nạn khiến tài xế Mercedes-Benz tử vong, còn người ngồi sau bị thương…

Theo lời khai ban đầu từ nạn nhân cho thấy chiếc xe này đã đâm vào đuôi một xe tải lưu thông cùng chiều. Sau khi tai nạn xảy ra, xe tải đã rời khỏi hiện trường.

Vấn đề pháp lý được đặt nhiều người quan tâm ở đây là tài xế xe tải liên quan đến vụ tai nạn và rời khỏi hiện trường sẽ phải đối mặt với mức phạt ra sao?

Tài xế sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

“Chủ xe gây tai nạn có hành vi cố tình xóa dấu vết hiện trường để trốn tránh trách nhiệm và gây cản trở cho quá trình điều tra sẽ bị xử phạt theo mức phạt của người điều khiển xe gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường”- luật sư Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo luật sư, Văn bản hợp nhất số 03/VBHN (hợp nhất Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021), quy định về mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Hiện trường vụ tai nạn khiến tài xế xe Mercedes-Benz bị tử vong.
Hiện trường vụ tai nạn khiến tài xế xe Mercedes-Benz bị tử vong. Ảnh: PLO

Khoản 8 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Khoản 11 Điều 5 quy định: đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng;”

“Vậy gây tai nạn xong bỏ trốn, người vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 16 - 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng”- luật sư Tuấn cho hay.

Có thể bị xử lý hình sự khi gây tai nạn mà bỏ trốn?

Cũng theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, chủ xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm. Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.

“Sau khi gây tai nạn, hành vi bỏ trốn của người điều khiển xe có thể sẽ dẫn đến khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 cụ thể tại Điều 260 tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”- luật sư Tuấn nói thêm.

Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng đề xuất: “Gây tai nạn mà không cứu giúp người là hành vi gì phạm pháp luật, hành vi này sẽ bị xử lý, nhưng xét về đạo đức thì chúng ta thấy có vấn đề.. khi dạy lái xe cũng cần chú trọng vấn đề này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm