Tạm biệt 2021 - một năm đầy đau thương

2021 - một năm đau thương có lẽ sẽ còn mãi trong ký ức mọi người dân trên thế giới - đã sắp qua. Còn được chứng kiến thời khắc chuyển giao này là chúng ta đã may mắn hơn rất nhiều người đã phải ra đi vì đại dịch. 2021, thế giới đã biến động thế nào?

Năm 2021, bên trong đại dịch COVID-19 còn có một đại dịch khác: Sự gia tăng đáng ngại các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Chẳng hạn ở Mỹ, số liệu công bố thời điểm đầu năm 2021 cho thấy số trẻ gái vị thành niên tự tử được cứu và đưa đến phòng cấp cứu tăng 51% so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Tây Ban Nha, theo CNN. 

5,4 triệu người chết vì dịch covid-19

2021 đã là năm thứ hai thế giới phải hứng chịu sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Thế giới đã mất hơn 5,4 triệu người vì đại dịch, trong đó số tử vong năm 2021 cao gần gấp ba lần số tử vong năm 2020, theo thống kê từ trang web Worldometer.

Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới nhiều lần cảnh báo sự mất công bằng trong phân phối vaccine. Năm 2021, cảnh báo này trở thành sự thật. Dù đã có 8,5 tỉ mũi vaccine được tiêm nhưng rất nhiều nước nghèo vẫn còn rất khó tiếp cận. Trong khi nhiều nước như Israel, Mỹ, ở châu Âu đang xúc tiến tiêm tăng cường mũi thứ ba, thậm chí mũi thứ tư thì chỉ 2,5% lượng vaccine đã triển khai tiêm trên toàn cầu là ở châu Phi - nơi chiếm 17% dân số thế giới. Thậm chí ở rất nhiều nơi trên thế giới, các nhân viên y tế đang phải chiến đấu với COVID-19 mỗi ngày vẫn chưa được tiêm ngừa.

Vaccine đã có nhưng virus cũng liên tục biến đổi. Bên cạnh Delta hiện vẫn được xem là biến thể thống trị toàn thế giới, tháng 11 lại thêm sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Thuốc đặc trị COVID-19 đã đến vào những ngày cuối năm 2021, với việc Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt thuốc Paxlovid của Pfizer và thuốc Molnupiravir của Merck. Tuy nhiên, khả năng hai loại thuốc này sẽ chưa thể tới được tay người dân các nước trong thời gian gần.

Kinh tế tổn thương nặng nề

Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, thiếu hụt lao động và lạm phát - hậu quả từ đại dịch - là các yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế thế giới trong năm 2021.

Cờ trắng tưởng niệm nạn nhân chết vì COVID-19 trong công viên quốc gia ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) - nước bị dịch hoành hành nặng nhất thế giới. Ảnh: NY1

“Chuỗi cung ứng” trở thành thuật ngữ được đề cập gần như ở mọi nhà trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 gây gián đoạn nặng nề và kéo dài trên toàn cầu. Vì thiếu người lao động và vì các hạn chế di chuyển phòng chống đại dịch, chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở toàn bộ các mắt xích: sản xuất, vận chuyển, bán hàng. Thực tế này góp phần làm tăng lạm phát trên toàn thế giới.

Nước cảm nhận rõ cuộc khủng hoảng này nhất là Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chẳng hạn lạm phát ở Mỹ tăng 6,8% trong tháng 11, mức tăng hằng năm lớn nhất trong 39 năm. Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 4,9%, mức cao nhất trong ba thập niên, một phần vì giá năng lượng tăng vọt.

Các dự báo mới nhất dự đoán tình trạng lạm phát sẽ kéo dài đến ít nhất là nửa đầu năm 2022.

Chính trị biến động

Năm 2021, chính trị thế giới vẫn chứng kiến nhiều biến động căng thẳng và nguy hiểm, mà gây chú ý nhiều nhất là căng thẳng giữa các cường quốc.

Nổi bật là bế tắc giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ). Điểm nóng lớn nhất gây nguy hiểm cho quan hệ giữa Mỹ và TQ trong năm 2021 là Đài Loan. Mỹ cực lực phản đối việc TQ tăng tần suất và số lượng máy bay xâm nhập vùng nhận dạng phòng không do Đài Loan thiết lập là “phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”. TQ cảnh báo rằng khuyến khích Đài Loan độc lập sẽ là “đùa với lửa”.

Tháng 12, Mỹ, Canada, Úc và Anh tuyên bố tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.

Không thể không nhắc đến sự kiện liên minh an ninh AUKUS (giữa Mỹ, Anh, Úc) ra đời nhằm bảo vệ “an ninh và ổn định ở Thái Bình Dương”. AUKUS được coi là phản ứng của các nước này trước sự quyết liệt ngày càng tăng của TQ. Phần mình, Bắc Kinh lên án việc lập liên minh AUKUS là “cực kỳ vô trách nhiệm” và “phân cực”.

Những ngày gần đây thế giới đặc biệt quan tâm đến căng thẳng Nga - NATO quanh vấn đề Ukraine. Thời gian cuối năm 2021, Nga tăng lượng lớn quân về khu vực biên giới với Ukraine. Tháng 12, Mỹ cảnh báo rằng Moscow sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có nếu tấn công Ukraine. EU và NATO cũng cảnh báo “hậu quả to lớn” với Nga.

Nga khẳng định chuyện điều quân của mình không có gì bất thường và đáng ngại, đồng thời ra dự thảo an ninh giảm căng thẳng với phương Tây. Bản dự thảo gồm tám điều kiện, trong đó có việc yêu cầu NATO cam kết không kết nạp Ukraine cũng như các nước khác, không tăng quân và khí tài về phía đông áp sát Nga. Mỹ và NATO chưa phản hồi các điều kiện này dù Nga liên tục thúc giục. Dù tình thế đối đầu nguy hiểm nhưng khả năng lớn các bên sẽ không để căng thẳng leo thang đến mức xảy ra chiến tranh, vì sẽ không có lợi cho bên nào.•

Một số sự kiện chính trị khác nổi bật trong năm 2021

Ông Biden thay ông Trump làm tổng thống Mỹ: Lễ nhậm chức của ông Biden diễn ra sau sự kiện hỗn loạn chưa từng có tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1, khi người ủng hộ ông Trump tràn vào nhằm ngăn các nghị sĩ phê chuẩn chiến thắng của ông Biden.

Taliban quay lại nắm quyền Afghanistan: Sau khi Mỹ và NATO rút quân, ngày 15-8, Taliban tiến vào Kabul, giành lại quyền lực sau 20 năm. Khoảng 123.000 nhà ngoại giao, người nước ngoài và công dân Afghanistan được sơ tán khỏi đất nước này. Những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút vào ngày 30-8, đánh dấu sự kết thúc đầy kịch tính của cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ.

Năm của chính biến: Ngày 1-2, quân đội Myanmar thực hiện chính biến, lên thay chính quyền dân sự. Ngày 24-5, Đại tá Assimi Goita thực hiện cuộc đảo chính thứ hai ở Mali (Tây Phi) trong vòng 10 tháng. Ngày 5-9, Tổng thống Alpha Conde bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Tháng 10 tại Sudan, quân đội đảo chính.

Chiến tranh Hamas - Israel: Ngày 3-5, bạo lực bùng nổ giữa Israel và người Palestine ở khu Sheikh Jarrah, phía đông Jerusalem. Một tuần sau cuộc đụng độ đầu tiên, phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza bắn rocket vào Israel và Israel tấn công đáp trả. Cuộc chiến kéo dài 11 ngày, 260 người Palestine và 13 người Israel thiệt mạng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm