Thằng Dân định cư ở Mỹ từ gần 10 năm trước, vừa về nước nó đã gọi hai thằng bạn thân nhất thời nối khố là tôi và thằng Trà tới tâm sự.
Thằng Dân tặc lưỡi kể chiến tích từ 10 năm trước: Suốt ngày ngồi lì ở quán cà phê, giả vờ giả vịt uống cà phê để lấy cảm hứng làm việc này khác nhưng kỳ thực là tán gái. “Kiểu cà phê mặt dày ấy cũng hiệu quả phết. Cuối cùng tao cũng hốt được cả chủ quán, đưa nàng về dinh”.
Thằng Trà cũng không vừa: Thời đó Sài Gòn còn có cái kiểu cà phê “hát với nhau”, tao lợi dụng cái giọng hút gái của mình để la cà mấy quán đó. Cuối cùng cũng tia được bà cụ thân sinh ra hai thằng con tao bây giờ.
Tôi phục sát đất hai thằng chỉ đi uống cà phê thôi cũng tán được gái, chả bù tôi dắt gái đi gần hết quán cà phê Sài Gòn mà mãi mới đổ. Thế nên tôi đành ngồi im nghe tụi nó chém gió.
* * *
Thằng Dân bắt đầu phét lác: Mà sang Mỹ mới thấy nha, tính ra văn hóa uống cà phê ở bển có mục đích hơn Sài Gòn ấy. Họ uống cà phê theo kiểu uống để làm việc, để sáng tạo, thậm chí họ vừa đi vừa uống cà phê để tiết kiệm thời gian. Tức là cà phê là chất xúc tác để họ làm việc chứ không phải mục đích thưởng thức. Chứ ai như Sài Gòn nhiều người ngồi đồng từ sáng tới tối tán phét giống như vô công rỗi nghề ấy.
Thằng Trà cãi: Những người ngồi quán cà phê sáng tối ở Sài Gòn không hề vô công rỗi nghề nhá. Đời mà, sao phải vội vàng, mà chưa chắc vội vàng đã làm nên chuyện. Người Sài Gòn uống cà phê vừa để thưởng thức vừa làm việc. Họ nhâm nhi bên ly cà phê cả buổi tưởng chừng chẳng làm gì nhưng đó chính là lúc họ làm việc, làm việc hiệu quả nữa là đằng khác.
Người có việc làm thì uống cà phê để lấy cảm hứng làm việc, người cần sáng tạo thì ra quán cà phê uống sẽ ra ý tưởng mới. Còn người thất nghiệp thì ra quán cà phê cả ngày để tìm việc làm qua báo, qua Internet…
Tóm lại, ở Sài Gòn, người giàu cũng uống cà phê, người nghèo cũng uống cà phê, người bận rộn cũng uống cà phê, người tỉ phú thời gian cũng uống cà phê… Cà phê trở thành văn hóa rồi, khỏi bàn cãi!
Thằng Dân bí, ngồi im nhìn ly cà phê một hồi mới nghĩ ra được cái hay ho của cà phê bên Mỹ để đối lại: Người Mỹ một khi đã vào quán uống cà phê sẽ rất trọng không gian riêng tư và khi đã muốn thưởng thức họ chẳng bao giờ tiếc tiền cho thức uống xa xỉ trong quán cà phê cả. Chả như Sài Gòn mỗi ly cà phê có hơn 10k (ngàn), mắc lắm thì mấy chục k.
Thằng Trà bảo: Thế mày có biết người Sài Gòn đôi khi uống một ly cà phê mất gần nửa triệu không? Người Sài Gòn chẳng tiếc bỏ ra 200k mua vé lên tham quan tòa Bitexco chỉ để uống một ly cà phê khoảng 200k rồi giơ cái tay check in xong về ngủ. Hoặc nhiều khi buồn buồn thì leo lên tầng 76 của tòa nhà Landmark 81 ngồi uống ly cà phê 200k chỉ để ngắm phố từ trên cao. Mày thấy dân nào chơi đời hơn?
Thằng Dân không vừa: Người Mỹ bước vào quán cà phê quen thuộc thì chỉ cần ra hiệu là nhân viên biết kiểu uống cà phê gì rồi, khỏi cần kêu. Đó gọi là cái văn hóa hiểu nhau. Chứ đâu như Sài Gòn lúc nào cũng cầm cái menu ra hỏi anh, chị uống gì, nhàm vãi.
Thằng Trà cười khẩy: Vậy chắc mày không biết dân Sài Gòn đi nhậu thôi và chỉ cần ngồi quán nhậu không cần nhấc cái mông lên cũng kêu được cà phê không? Mà kêu cà phê mới độc nè. Mày ngồi trong quán nhậu, nhìn qua quán cà phê bên kia đường hú một cái và chỉ cần giơ một ngón tay là chủ quán biết mày kêu cà phê. Nếu mày muốn uống cà phê sữa thì bóp vào ngực, muốn uống ít sữa thì bóp một cái, uống nhiều sữa thì bóp nhiều cái. Độc bá đạo chưa?
Thằng Dân trố mắt ngạc nhiên nhưng cũng không thán phục: Giơ một ngón thì làm sao mà biết kêu cà phê, lỡ đâu người ta kêu nước ngọt thì sao?
Thằng Trà đáp trả ngay: Vậy mới nói văn hóa hiểu ý nhau. Riêng cái gọi là văn hóa hiểu ý nhau khi uống cà phê thì không đâu bằng Sài Gòn. Không cần phải là khách quen nhé, chỉ cần mày đến quán lần thứ ba là chủ quán đã để ý và biết cái gu cà phê của mày rồi.
Như hôm bữa, tao đi uống cà phê ở Gò Vấp, vào hai lần đều kêu cà phê sữa hơi ngọt. Lần thứ ba thì bé nhân viên mới không biết nên pha kiểu thường cho tao. Pha xong rồi thì chị chủ quán mới thấy, chị vội vàng lấy lại ly cà phê đó và pha ly khác. Vừa pha chị vừa giải thích cho bé nhân viên: Khách này em cho một đong sữa này và cho thêm một nửa đong nữa. Tao nghe thôi cũng thấy mát ruột vì được tôn trọng và cũng thán phục độ tinh tế của chị chủ quán.
* * *
Đuối lý, thằng Dân bẻ lái qua hướng khác: Tao thấy cà phê Sài Gòn xô bồ quá, nào là quán cóc, bệt, lụp xụp, xe đẩy,… chỗ nào cũng bán cà phê.
Thằng Trà đáp luôn: Đấy mới là văn hóa đặc sắc của cà phê Sài thành, mày xem cả thế giới có đâu được như thế không? Mà có khi mơ cũng chả được ấy chứ. Còn riêng về không gian cà phê sang chảnh cỡ nào Sài Gòn cũng bao hết.
Tao kể sơ cho mà nghe này: Cà phê đại dương, mày đi vào quán mà như đi dưới biển, hai bên cá lội tung tăng chào đón mày như một gã thợ lặn; cà phê du thuyền, mày chỉ cần lên chiếc du thuyền sang trọng, người ta sẽ chở mày đi ngắm cảnh sông Sài Gòn cực chất; cà phê “view triệu đô”, tức là mày lên tầng cao của một tòa nhà nào đó, không gian bốn bề đều mở nhưng rất riêng tư, mày tha hồ dẫn vợ lên đó mà “mây mưa”, ý tao là vừa ngắm mây vừa ngắm mưa… Còn nhiều kiểu cà phê sang chảnh ở Sài Gòn mà tao kể tới mai cũng chả hết. Đủ khí chất ngời ngời chưa?
Hai thằng tranh luận mãi cũng khát nước, thằng Trà bèn bảo trời mưa thế này mà có ly cà phê nhâm nhi thì hay ha. Thằng Dân bèn: Để tao lên mạng tìm số điện thoại rồi đặt. Nói rồi nó loay hoay vừa tìm số điện thoại vừa than: Giá như giờ đang ở Mỹ thì tao đã đặt cà phê Starbuck, thanh toán ngay trên điện thoại và chả mấy chốc mà có cà phê uống.
Thằng Dân vừa dứt lời thì có chuông cửa. Nó ra mở cửa và mang vào ba ly cà phê, vừa đi vừa ngơ ngác: Ơ, thằng Trà đặt cà phê lúc nào mà tao không hay?
“Trong lúc mày lên mạng than phiền rồi kiếm số điện thoại tùm lum thì tao đã nhấn vào cái app để đặt. Không biết bên Mỹ có đội ngũ xe ôm công nghệ giao hàng nhanh như chớp này không ta?” - thằng Trà rung đùi hỏi.
Thằng Dân cười sảng khoái, đành gật đầu thán phục những cái tiện, nhanh, độc, lạ mà thằng Trà vừa kể. Nói về chất, đừng đùa với cà phê Sài Gòn!