Xì tai không giống ai của cà phê Sì Phố

Sài Gòn cái gì cũng có - đó là câu nói của hầu hết những người sinh sống và làm việc tại đô thị này. Thực chất họ không ngoa bởi ngay cả văn hóa uống cà phê ở đây cũng khác đến lạ. Gu nào cũng có, thích gì cũng chiều!

Không khó để tìm một quán cà phê ở Sài Gòn, bởi đâu đâu cũng thấy, đường nào cũng gặp, hẻm lớn, hẻm nhỏ, hang cùng ngõ cụt đều không thiếu. Nhiều người ở Sài Gòn quả quyết có thể bỏ ăn sáng nhưng tuyệt đối không thể bỏ cà phê. Rồi họ cũng khẳng định Sài Gòn không phải xứ trồng cà phê nhưng lại là xứ biết thưởng thức cà phê độc, lạ không đâu sánh đặng.

Từ nửa thế kỷ trước, Sài Gòn đã khác lạ với món cà phê vợt, một kiểu uống cà phê đến nay đã quá quen thuộc với dân Sì Phố nhưng lại rất lạ lẫm với những người xứ khác vãng lai.

Dì Ba, chủ quán cà phê vợt ở hẻm 330 Phan Đình Phùng, Phú Nhuận có phong cách pha cà phê rất điệu nghệ. Đầu tiên dì cầm cây vợt trụng nước sôi cho sạch, giơ chiếc vợt lên cho ráo nước rồi bỏ vào vợt một ít cà phê, sau đó nhúng vợt cà phê vào siêu nước đang sôi, lấy muỗng khuấy cho đều rồi đậy nắp siêu lại. Dì làm đều tay và thanh thoát như một người nghệ sĩ. Chỉ vài phút sau, khách sẽ được thưởng thức hương vị cà phê vợt đặc trưng của Sài Gòn.

Ảnh: Thu Trinh

Cà phê vợt tựa hồ mang cái hồn cà phê xưa của người Sài Gòn mà nếu chưa thưởng thức mùi vị cà phê này thì thật rất thiếu. Đến nay Sài Gòn chỉ còn hai quán cà phê vợt: Một ở quận 11 và quán còn lại chính là quán của dì Ba ở Phú Nhuận. Tuy vậy, hai quán vẫn đông, lòng người vẫn mến, dân vãng lai vẫn mộ.

Sài Gòn hiện đại là vậy, nhưng lục lọi vài nơi vẫn tìm thấy ở cà phê ở Sài Gòn những hồi ức nét xưa, phố cũ. Nhiều quán cà phê lấy cảm hứng, phong cách trang trí nội thất từ những thập niên 80 của thế kỷ 20. Là chiếc ghế đẩu cách điệu đơn giản, là chiếc bàn bốn chân cao hoặc thấp, trải lên tấm khăn nhiều màu sắc nhìn rất quê mùa nhưng gợi nhớ nhiều ký ức cho người đến đây thưởng thức.

Hay có những quán cà phê trang trí bằng những khung cửa sổ cũ, đó là những tấm cửa sổ xéo mang phong cách hiện đại hồi thập niên 70-80 của thế kỷ trước, thời có rất nhiều bác thợ mộc người ướt đẫm mồ hôi miệt mài làm từng thớ gỗ ghép lại. Nhìn đơn giản nhưng rất bền, chắc…

Những tưởng cà phê xưa cũ sẽ chỉ tiếp đón những ông già bà cả, những người sống trong ký ức, nhưng thực ra những quán cà phê dạng này lại rất thu hút giới trẻ. Suy cho cùng, cái xưa cũ ấy lại chính là cái mới lạ của giới trẻ hiện nay. Bởi họ đã nào một lần được ngồi ăn với chiếc bàn bốn chân cũ kỹ, nào được ngồi khung cửa sổ gỗ ô xéo mắt cáo chốt gài rất lỏng, tối tối nhiều cô thiếu nữ thập thò chui qua cửa sổ trốn tía má đi “phượt” phố bằng xe đạp.

Cà phê Sài Gòn đặc biệt như vậy, rất đời, rất cũ, rất tĩnh mịch nhưng không thiếu sự sáng tạo. Cũng không dừng ở đó, nếu biết Sài Gòn cái gì cũng có thì ắt hẳn bạn cũng tỏ cà phê Sài Gòn giờ đa phong cách đến nhường nào. Ngoài phong cách hoài cổ như cà phê vợt, cà phê khung cửa sổ, bàn ghế cũ, cà phê Sài Gòn còn có những gu lạ muốn “hờn”.

Dạo này dân ghiền check in quán cà phê lại rỉ tai nhau đi thưởng thức cà phê thú cưng nhưng khác biệt là không phải thú cưng chó hay mèo,… mà là những chú vẹt xinh xắn lắm mồm, lắm miệng; những chú cú mèo có bản mặt lúc nào cũng nhăn nhó…

Dạo trước nữa giới trẻ thích cà phê mát xa cá. Họ ngồi thưởng thức cà phê rồi được những chú cá nhỏ xíu rỉa chân nhột nhột, vui vui, cười muốn tét miệng. Sau đó cà phê mát xa cá nhỏ được “cách điệu” hiện đại hơn khi dân ghiền cà phê được chiêm ngưỡng những chú cá koi nặng cả vài ký tung tăng bơi lội ngay dưới bàn đặt ly cà phê thơm nức mũi.

Đừng tưởng ở Sài Gòn thì không được thưởng thức cà phê ngồi ghế bố ngắm bãi biển, vờn cát trắng. Nhiều quán cà phê mang hẳn biển về phố với đầy đủ cái gì biển có thì quán có. Chẳng tin thì cứ đi dọc đường Tú Xương, quận 3 sẽ bắt gặp vài quán cà phê xì tai chẳng giống ai, chỉ giống biển.

Nếu chán biển, muốn về rừng tìm vẻ hoang sơ, mát mẻ thì giới trẻ lại rủ nhau “trèo” lên quán cà phê “tổ chim” được làm bằng gỗ có nhiều lỗ thông gió đặt lơ lửng trên tán cây cổ thụ. Vừa thưởng thức cà phê, vừa tưởng tượng mình là những chú chim tự do được ngắm trời, ngắm nước, ngắm cây… Hay muốn thử cảm giác tù túng như những chú chim nhà nuôi thì thử “chui” vào quán cà phê “lồng chim” trên nóc nhà để trải nghiệm và cảm nhận.

Vì quá đa dạng nên cà phê Sài Gòn có nhiều cách ví von, thậm chí cũng có thể ví giống như cô gái đến tuổi xuất giá mà chưa có người rước bèn tung hết những bộ cánh đẹp nhất, tươi nhất, rực rỡ nhất để sớm có chàng để ý đặng lên xe bông. Song đôi lúc cũng giống một chàng trai bị bồ đá lại chui vào một góc tự kỷ sáng tối nhớ nhung quá khứ.

Ai vui thì cứ đến những quán cà phê nào tươi nhất, rực rỡ nhất để check in, chụp ảnh, post “phây”. Ai buồn thì cứ đến những quán yên tĩnh, giống như câu hát của Trúc Hồ du dương buồn đến nát ruột: “Ngồi quán uống ly cà phê, nghe nắng mưa đi về, anh nhớ….chuyện dĩ vãng xưa thật xưa…”. Ai vừa vui vừa buồn thì cứ thử chui vào ống cống để thưởng thức cà phê, vừa thú vị vừa tự kỷ một mình, không hề ai phiền toái. Tất nhiên là cà phê thiết kế theo phong cách lấy cảm hứng từ ống cống thoát nước ở Sài thành.

Đấy! Xì tai cà phê Sài thành đầy đủ phong cách, từ thập cổ lai hy đến vô cùng hiện đại; rồi lại kết hợp từ cổ chí kim để ra các xì tai hầm hố, híp hóp, hòm, cống…, không thiếu phong cách nào.

Dù vậy, xì tai nào, độc lạ đến mấy thì cà phê Sài Gòn vẫn có chung một điểm đó là chất và hương. Chất thì có hai kiểu, thứ nhất là chất lượng, từ chất lượng thấp đến chất lượng cao cỡ nào Sài Gòn cũng bao hết; thứ hai là “chất lừ”, chỉ cần “nghía” cái phong cách thưởng thức cà phê là đủ thấy khí chất của người Sài thành rồi. Còn hương thì cà phê vốn vậy, chả thể lẫn với bất cứ mùi của thức uống nào cả. Vẫn mùi thơm nồng khó tả, khó cưỡng mà ngay cả người không thể chịu được vị đắng của cà phê vẫn có thể mê hương cà phê đến say đắm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm