Tạm khép lại đại án Công ty Gang thép Thái Nguyên

Chiều 11-11, sau ba ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ đại án xảy ra tại dự án mở rộng Nhà máy sản xuất gang thép Thái Nguyên.

Giảm án cho ba người

HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt đối với ba bị cáo. Những người này được xác định đã nộp tiền để khắc phục hậu quả của vụ án.

Trong đó, bị cáo Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) được giảm từ ba năm tù giam thành ba năm tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Uông Sỹ Bính (cựu phó trưởng Phòng kế toán thống kê tài chính Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO) được giảm từ hai năm tù xuống còn 18 tháng tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu tổng giám đốc TISCO. Ảnh: TP

Ngoài ra, bị cáo Hoàng Ngọc Diệp (cựu thành viên HĐQT TISCO) cũng được tòa tuyên giảm từ hai năm tù giam thành hai năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với chín bị cáo còn lại, tòa phúc thẩm quyết định bác toàn bộ kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Trong số này, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO) bị tuyên phạt chín năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bị cáo còn phải bồi thường số tiền 130 tỉ đồng cho TISCO.

HĐXX nhận định cựu tổng giám đốc TISCO là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội, không có biện pháp chấm dứt hợp đồng khi nhà thầu - Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng. Bị cáo còn chỉ đạo đàm phán, tách gói thầu, đồng ý để TISCO chịu rủi ro phát sinh, trong khi đây là trách nhiệm của MCC.

Quá trình giải quyết vụ án, ngoài việc giao nộp hai bất động sản tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình), ông Mừng chưa khắc phục thêm được phần nào trong khoản tiền 130 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo cũng không đưa ra thêm được bằng chứng, tài liệu hay tình tiết giảm nhẹ mới nên không có căn cứ để xem xét việc giảm án.

Dự án “đắp chiếu” cả chục năm, thiệt hại 830 tỉ đồng

Dự án mở rộng sản xuất Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu là MCC, tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 3.800 tỉ đồng.

Quá trình thực hiện dự án, dù biết rõ MCC vi phạm hợp đồng và đề nghị các điều khoản vô căn cứ, các bị cáo tại TISCO và VNS vẫn đồng ý đề xuất điều chỉnh chi phí dự án, trong đó có việc tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỉ đồng lên tới hơn 8.100 tỉ đồng.

Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng…

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ tính riêng khoản lãi vay của TISCO để thực hiện dự án đã lên tới hơn 830 tỉ đồng, ngoài ra chưa tính đến thiệt hại khi dự án bị tạm ngưng, các thiết bị, máy móc đã đầu tư vào dự án bị xuống cấp, hư hỏng.

Đáng chú ý, ở cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện TISCO với tư cách là nguyên đơn dân sự nhiều lần cho biết không yêu cầu các bị cáo trong vụ án phải bồi thường.

Tại tòa, đại diện VKS đã phản ứng khá gay gắt trước ý kiến trên của đại diện TISCO. Theo kiểm sát viên, TISCO chỉ có 35% vốn đầu tư, còn lại của Nhà nước, vậy với lý do và tư cách gì TISCO không đòi bồi thường? “TISCO không có quyền định đoạt số 65% vốn nhà nước trong công ty mình. Không thể có chuyện hiểu không đúng trong việc bồi thường, gây hoài nghi” - đại diện VKS nêu quan điểm.

Đề nghị này cũng không được HĐXX chấp nhận. Các bị cáo vẫn phải liên đới bồi thường 830 tỉ đồng cho TISCO.

Về phía các bị cáo, những người này đều thừa nhận sai phạm nhưng xin HĐXX cân nhắc yếu tố bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn thực hiện dự án. Nhiều người cho hay chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không có động cơ tư lợi và thực tế không được hưởng lợi gì.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm