Đúng 16 giờ, thay mặt cho Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
Theo đó, Bộ Chính trị quyết định phân công ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành viên tiểu ban văn kiện Đại hội 13 của Đảng, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. Bộ Chính trị, điều động phân công ông Hoàng Trung Hải giữ chức phó trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội 13 của Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Vương Đình Huệ làm bí Thư Thành ủy Hà Nội.
Cùng với đó, Bộ Chính trị quyết định chỉ định ông Vương Đinh Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội và giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại lễ công bố, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao các quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ cho tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và ông Hoàng Trung Hải.
Phát biểu sau đó, ông Trần Quốc Vượng đánh giá cao những đóng góp của ông Hoàng Trung Hải trong quá trình đảm nhiệm vị trí bí thư Thành ủy Hà Nội.
Thường trực Ban Bí thư cho hay trước tình hình mới, Bộ Chính trị đã họp, quyết định phân công ông Vương Đình Huệ về làm bí thư Thành ủy Hà Nội.
“Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, có uy tín, từng kinh qua nhiều chức vụ” - ông Vượng nói và bày tỏ sự tin tưởng tân bí thư Thành ủy Hà Nội sẽ đoàn kết với nhân dân, cán bộ, Đảng bộ TP Hà Nội xây dựng, phát triển Thủ đô vững mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Trung Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói hôm nay đúng là bốn năm ông được phân công làm nhiệm vụ bí thư Thành ủy Hà Nội, là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế của quốc gia.
"Thời gian bốn năm làm việc trực tiếp tại Thành ủy Hà Nội dù không dài nhưng là vinh dự to lớn khi cùng chung tay với các đồng chí xây dựng Thủ đô. Tôi cùng các đồng chí đã phát huy tinh thần đoàn kết để nỗ lực xây dựng Thủ đô và cũng đạt được một số thành quả nhất định.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng mình còn nhiều việc thiếu sót và chưa hoàn thành. Tôi cũng mong nhân dân thủ đô thứ lỗi. Tôi cũng xin được chúc mừng đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, được Bộ Chính trị phân công làm bí thư Thành ủy Hà Nội. Với năng lực kinh nghiệm và sự giúp đỡ của trung ương và các địa phương tôi tin tưởng TP sẽ đạt được kết quả như nghị quyết đề ra" - ông Hoàng Trung Hải nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, chúc mừng ông Vương Đình Huệ và ông Hoàng Trung Hải.
Về phần tân bí thư TP Hà Nội, ông cho biết rất vinh dự đảm nhận chức vụ này. “Tôi nhận thức sâu sắc rằng nhiệm vụ được giao phó vừa là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội - là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là động lực phát triển của khu vực và của cả nước” - ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, cá nhân ông ý thức sâu sắc được những đòi hỏi và nhiệm vụ đặt ra cho ông cũng như tập thể Ban Chấp hành đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và các lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhiệm vụ này càng nặng nề, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước tiếp tục dự đoán có những khó khăn, thách thức, tác động nhiều đến sự phát triển của các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Ông Huệ cho rằng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ TP đã chủ động, gương mẫu, tích cực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các mặt công tác; thực hiện hiệu quả năm nhiệm vụ chủ yếu, ba khâu đột phá, tám chương trình công tác; thực hiện Nghị quyết ĐH 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đạt được kết quả khá toàn diện.
Theo ông, những ngày này, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã được Thành ủy, các cấp ủy quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện, song thời gian từ nay đến khi tổ chức ĐH Đảng bộ TP lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 không còn dài. Điều này đòi hỏi sự hết sức tập trung, quyết liệt, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ, chỉ tiêu đại hội XVI Đảng bộ TP và đại hội các cấp đã đề ra, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và đại hội đảng bộ TP, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.
“Trên cương vị công tác mới, tôi xin hứa sẽ cùng với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ, các cơ quan, đoàn thể nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Thủ đô, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp xây dựng Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững” - ông Huệ nêu rõ.
Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sinh ngày 15-3-1957, tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là giáo sư, tiến sĩ kinh tế. Trước tháng 7-2001, ông là giảng viên rồi giữ chức phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đảng ủy viên Đảng bộ ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Từ tháng 7-2001 đến 6-2006: Ông được giao giữ chức vụ phó tổng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy viên Đảng bộ khối kinh tế Trung ương. Từ tháng 7-2006 đến 8-2011 ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa X, tổng Kiểm toán Nhà nước; đại biểu Quốc hội khóa XIII. Trong giai đoạn từ tháng 8-2011 đến 12-2012: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, bộ Trưởng Bộ Tài chính. Tới tháng 12-2012, sau khi Ban Kinh tế Trung ương được tái lập, ông được Bộ Chính trị phân công làm trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tại Đại hội XII của Đảng, ông được trung ương bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tới tháng 4-2016, Quốc hội đã phê chuẩn ông Vương Đình Huệ làm phó Thủ tướng Chính phủ, trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Đến tháng 6-2016, Quốc hội khóa XIV, tiếp tục phê chuẩn ông Vương Đình Huệ làm phó Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định số 1527/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ được phân công giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực như: Kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước… |