Lần này (ở triển khai dự án này - PV) dù cho phép, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch”. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã cam kết như vậy vào chiều 14-11 khi giải trình trước Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có chiều dài 654 km và tổng vốn đầu tư 118.716 tỉ đồng, được chia làm 11 dự án thành phần, trong đó có tám dự án đầu tư theo hình thức BOT. Dự án sẽ chia thành các đoạn cao tốc bốn làn xe, có dải phân cách ở giữa, đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long).
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu (ĐB) tán thành với chủ trương đầu tư dự án vì “nếu không làm, sau năm 2020 sẽ ùn tắc giao thông”.
Tuy nhiên, các ĐB cũng tỏ ra lo lắng khi trong 11 dự án thành phần của toàn bộ dự án, có đến tám dự án được đầu tư theo hình thức BOT trong khi đây là vấn đề còn nhiều bất cập, người dân cử tri cả nước đang rất bức xúc với các trạm thu phí BOT bủa vây họ.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị: “Cần phải đảm bảo rõ tiêu chí để lựa chọn dự án, tiêu chí đánh giá năng lực, lựa chọn nhà đầu tư… để đảm bảo nhà đầu tư thực góp vốn; chỉ áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân và chỉ nộp tiền khi sử dụng đường. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp huy động nguồn lực bằng việc tính toán tỉ suất lợi nhuận đầu tư BOT hợp lý. Giá trúng thầu cần sử dụng khung giá dịch vụ, hợp đồng trọn gói và không điều chỉnh hợp đồng theo đúng nguyên tắc lời ăn lỗ chịu” - ĐB Hàm nói.
Giải trình trước các ý kiến ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Về tám dự án đầu tư theo hình thức BOT, Bộ đã sơ kết, rút kinh nghiệm năm năm thực hiện trên quốc lộ 1. Khiếm khuyết đã nhìn thấy và sẽ khắc phục là đấu thầu toàn bộ, đấu thầu lần một không xong sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đấu thầu lần hai, thậm chí lần ba, lần bốn. Và “nếu chậm và không sử dụng hết vốn ngân sách thì Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho dùng 55.000 tỉ đồng đang có”.