Ngày 13-3, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên sau lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, theo tờ South China Morning Post.
Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Lý nói rằng Trung-Mỹ có thể đạt được rất nhiều thứ “thông qua hợp tác”. Theo ông, Trung Quốc và Mỹ có thể và phải hợp tác, và các biện pháp nhằm cản trở nhau sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, tờ China Daily đưa tin.
Ông Lý Cường tại cuộc họp báo đầu tiên sau lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ngày 13-3. Ảnh: REUTERS |
Trích dẫn số liệu thống kê từ Trung Quốc, ông Lý lưu ý rằng thương mại hai chiều Trung-Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 760 tỉ USD vào năm 2022. Theo ông, hai nước gắn bó mật thiết về kinh tế và cả hai đều được hưởng lợi từ sự phát triển của đối phương, South China Morning Post đưa tin.
Theo ông Lý, một số người ở Mỹ đã nói về việc “tách khỏi Trung Quốc” trong những năm gần đây. Ông cho rằng ý tưởng “tách rời” chỉ là sự cường điệu.
"Nhưng tôi tự hỏi có bao nhiêu người thực sự có thể hưởng lợi từ việc này” - ông Lý nói.
Chân dung tân thủ tướng Trung Quốc
Theo China Daily, ông Lý sinh năm 1959 ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang - một tỉnh phía đông nam phát triển trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất.
Ông Lý gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vào tháng 4-1983 và được đào tạo sau đại học tại Trường Đảng Trung ương.
Giai đoạn 2004-2007, khi ông Tập giữ chức Bí thư tỉnh Chiết Giang, ông Lý là chánh văn phòng và phụ tá hàng đầu của ông Tập.
Tại thời điểm đó, ông Lý đã tháp tùng ông Tập trong nhiều chuyến công tác quan trọng.
Từ năm 2011 đến 2016, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Chiết Giang. Từ năm 2013 đến năm 2016, ông giữ chức tỉnh trưởng Chiết Giang.
Năm 2017, ông Lý được ông Tập bổ nhiệm giữ chức Bí thư thành ủy Thượng Hải. Ông Lý đã có những đóng góp quan trọng trong chính sách phòng chống đại dịch COVID-19 ở Thượng Hải, theo đài NPR.
Ngoài ra, ông cũng được cho là đã góp tiếng nói quan trọng trong quá trình chấm dứt chính sách zero-COVID (không có COVID-19 trong cộng đồng) ở Trung Quốc nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ hai hồi phục sau đại dịch.