Tân Tổng thống Sri Lanka sắp đề xuất kế hoạch 25 năm vực dậy nền kinh tế 'đang lâm nguy'

(PLO)- Chính phủ tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe đang đề xuất một chính sách kinh tế quốc gia cho 25 năm tới nhằm vực dậy kinh tế Sri Lanka, trở thành một nước xuất khẩu cạnh tranh và phát triển toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-8, tân Tổng thống Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe cảnh báo rằng quốc đảo này đang đối mặt với "mối nguy hiểm rất lớn” về tình trạng thiếu hụt nhiên liệu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có và có khả năng kéo dài ít nhất cho tới cuối năm nay, hãng AFP đưa tin.

Tổng thống Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: Eranga Jayawardena/AP

Tổng thống Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: Eranga Jayawardena/AP

“Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống chưa có tiền lệ trong lịch sử hiện đại. Chúng ta đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm” - ông Wickremesinghe nói khi phát biểu khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội Sri Lanka.

Theo ông, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là “tất cả chúng ta cùng nhau đối mặt với thách thức này". Tân tổng thống cũng yêu cầu tất cả các đảng phái trong quốc hội tham gia sáng kiến của ông về một "chính phủ đoàn kết".

Trong bài phát biểu, ông Wickremesinghe cho hay chính phủ mới của ông đang soạn thảo một lộ trình chính sách quốc gia trong 25 năm tới nhằm mục đích cắt giảm nợ công và đưa đất nước thành một nền kinh tế xuất khẩu cạnh tranh, thoát khỏi thảm họa kinh tế tồi tệ hiện tại.

Ông nhấn mạnh rằng Sri Lanka cần các giải pháp dài hạn và một nền tảng vững chắc để ngăn chặn sự tái diễn của các cuộc khủng hoảng kinh tế, theo hãng AP.

Ông Wickremesinghe cho biết mục tiêu của chính phủ là tạo thặng dư ngân sách cơ bản vào năm 2025 và giảm nợ công, hiện ở mức tương đương 140% GDP, xuống dưới 100% vào năm 2032.

“Nền kinh tế nên được hiện đại hóa. Sự ổn định kinh tế cần được thiết lập và chuyển đổi thành một nền kinh tế xuất khẩu cạnh tranh. Trong bối cảnh này, chúng tôi hiện đang chuẩn bị các báo cáo, kế hoạch, quy tắc và quy định, luật và chương trình cần thiết” - ông phát biểu.

“Nếu chúng ta xây dựng đất nước và nền kinh tế thông qua chính sách kinh tế quốc gia, chúng ta có thể trở thành một quốc gia phát triển toàn diện vào năm 2048, khi chúng ta kỷ niệm 100 năm độc lập” - ông Wickremesinghe nói thêm.

Ngày 20-7 vừa qua, quốc hội Sri Lanka đã bầu ông Wickremesinghe - khi đó là thủ tướng - vào vị trí tổng thống nước này, thay thế người tiền nhiệm là ông Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước trong bối cảnh người biểu tình xông vào phủ tổng thống yêu cầu ông Rajapaksa từ chức.

Trong bài phát biểu sau khi được bầu, ông Wickremesinghe thừa nhận Sri Lanka đang ở trong tình thế hết sức cấp bách và con đường phía trước đang xuất hiện rất nhiều thử thách. Hiện tại, tổng nợ nước ngoài của đảo quốc này là 51 tỉ USD, trong đó 28 tỉ USD phải trả vào năm 2027. Vào tháng 4, Sri Lanka đã thông báo rằng họ sẽ ngừng trả các khoản vay nước ngoài.

Ông Wickremesinghe cho biết chính phủ của ông đã bắt đầu đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kế hoạch giải cứu kéo dài bốn năm và đã bắt đầu hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu nợ.

"Chúng tôi sẽ đệ trình kế hoạch này lên IMF trong tương lai gần và đàm phán với các quốc gia đã cho chúng tôi vay. Sau đó, các cuộc đàm phán với các chủ nợ tư nhân cũng sẽ bắt đầu đi đến sự đồng thuận” - tân Tổng thống Wickremesinghe cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm