Khủng hoảng Sri Lanka: Khi bác sĩ bị buộc phải chọn bệnh nhân để cứu...

(PLO)- Khủng hoảng Sri Lanka đã đẩy người dân vào tình cảnh ngặt nghèo: Bác sĩ chỉ có thể cứu chữa những ca bệnh nặng vì vật tư y tế không còn; bệnh nhân phải đi bộ hàng cây số để được kê tạm những loại thuốc cầm chừng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin AFP, ở bệnh viện lớn nhất của Sri Lanka, toàn bộ các khu điều trị đều trở nên tăm tối và gần như bị bỏ trống. Một số ít bệnh nhân còn lại không được điều trị và phải chịu đau đớn. Các bác sĩ thậm chí cũng không thể đến bệnh viện theo ca trực vì không có xăng.

Một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và miễn phí của Sri Lanka - điều mà chỉ vài tháng trước đó là sự ghen tị của các nước láng giềng Nam Á.

Phải đi bộ đến bệnh viện

Bệnh viện Quốc gia thường phục vụ cho người dân trên khắp đảo quốc cần điều trị chuyên khoa, nhưng số nhân viên y tế hiện đang giảm mạnh và phần nhiều trong số 3.400 giường bệnh ở đây đang bị bỏ trống.

Người dân xếp hàng mua nhiên liệu. Ảnh: REUTERS

Người dân xếp hàng mua nhiên liệu. Ảnh: REUTERS

Nguồn cung cấp thiết bị phẫu thuật và thuốc cứu người gần như cạn kiệt, trong khi tình trạng thiếu xăng trầm trọng khiến cả bệnh nhân và bác sĩ không thể đi lại để điều trị.

Bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao làm viêm khớp, bà Theresa Mary đã đến thủ đô Colombo để điều trị tại Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka. Tuy nhiên, bà phải tập tễnh đi bộ 5 km cuối trước khi tới bệnh viện vì không bắt được xe cho chặng này. Bà được xuất viện 4 ngày sau đó, song vẫn cảm thấy khó đứng vững, vì trạm y tế đã hết thuốc giảm đau được trợ cấp.

"Các bác sĩ kêu tôi mua thuốc của một hiệu thuốc tư nhân, nhưng tôi không có tiền. Đầu gối của tôi vẫn còn sưng tấy. Tôi không có nhà ở Colombo. Tôi không biết mình phải đi bộ bao lâu" - bà Mary, 70 tuổi, nói với AFP.

Bác sĩ Vasan Ratnasingham nói với AFP: "Một số nhân viên y tế làm việc theo ca kép vì một số đồng nghiệp không thể đến được bệnh viện. Họ có ô tô nhưng không có nhiên liệu”.

Các bác sĩ biểu tình trên đường phố. Ảnh: REUTERS

Các bác sĩ biểu tình trên đường phố. Ảnh: REUTERS

Sri Lanka nhập khẩu 85% thuốc và thiết bị y tế, cùng với nguyên liệu thô để sản xuất phần còn lại cho nhu cầu của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng vỡ nợ và thiếu ngoại tệ khiến nước này không còn tiền mua xăng dầu để duy trì hoạt động của nền kinh tế, cũng như không đủ dược phẩm để điều trị bệnh.

"Thuốc giảm đau thông thường, thuốc kháng sinh và thuốc dành cho trẻ em đang thiếu hụt rất nhiều. Các loại thuốc khác đã trở nên đắt gấp bốn lần trong ba tháng qua" - chủ hiệu thuốc K Mathiyalagan nói với AFP.

Anh Mathiyalagan cho biết các đồng nghiệp của ông đã phải từ chối ba trong số 10 đơn thuốc vì họ thiếu nguồn đáp ứng.

Anh nói thêm: “Rất nhiều loại thuốc cơ bản đã hết sạch".

Khi không phải bệnh nhân nào cũng được điều trị

Các quan chức Bộ Y tế từ chối cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng hiện tại của các dịch vụ y tế công cộng ở Sri Lanka, nơi có đến 90% dân số phụ thuộc vào.

Tuy nhiên, các bác sĩ làm việc trong các bệnh viện công cho biết họ đã buộc phải cắt giảm các cuộc phẫu thuật thông thường để ưu tiên các trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng và sử dụng các loại thuốc thay thế kém hiệu quả hơn.

"Hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ một thời của Sri Lanka đang gặp nguy hiểm. Những người dễ bị tổn thương nhất hiện phải đối mặt tác động lớn nhất" - bà Hanaa Singer-Hamdy, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Sri Lanka, cho biết.

Người dân chen chúc chờ mua nhiên liệu. Ảnh: REUTERS

Người dân chen chúc chờ mua nhiên liệu. Ảnh: REUTERS

Ngân hàng Thế giới gần đây đã chuyển hướng quỹ phát triển để giúp Sri Lanka mua khẩn cấp các loại thuốc cần thiết, bao gồm vaccine ngừa bệnh dại.

Ấn Độ, Bangladesh, Nhật và các quốc gia khác đã hỗ trợ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Sri Lanka. Trong khi đó, kiều bào ở nước ngoài đã gửi dược phẩm và thiết bị y tế về nước nhà.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước có khả năng tiếp tục kéo dài đến cuối năm sau, và Sri Lanka có thể phải đối mặt một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng thậm chí còn tồi tệ hơn sắp tới.

Siêu lạm phát đã khiến giá lương thực tăng cao đến mức nhiều hộ gia đình đang phải vật lộn để kiếm ăn.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới, gần năm triệu người Sri Lanka - 22% dân số - cần viện trợ lương thực. Và cứ sáu gia đình thì có hơn năm gia đình bỏ bữa, ăn ít hơn hoặc mua thực phẩm kém chất lượng.

Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, "Nhiều trẻ sơ sinh sẽ chết và suy dinh dưỡng sẽ lan tràn ở Sri Lanka" - bác sĩ Vasan nói với AFP.

"Nó sẽ đưa hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi đến bờ vực sụp đổ" - bác sĩ này nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm