TAND Tối cao đề xuất bổ sung quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

(PLO)- TAND Tối cao đề xuất bổ sung quy định nếu người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã chứng minh việc áp dụng là cần thiết nhưng tòa án không áp dụng, gây thiệt hại thì phải bồi thường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội thảo trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết 110/2023/QH15, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Nhiều vướng mắc, bất cập

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Nga (đại diện phòng Kiểm tra văn bản khối kinh tế Cục Kiểm tra văn bản QPPL) trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 110/2023/QH15.

Theo dự thảo báo cáo, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó, khoản 2 Điều 66 quy định chủ thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là đương sự và người đại diện của đương sự. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 72 lại chỉ quy định đương sự phải bồi thường.

biện pháp khẩn cấp tạm thời
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: YC

Đồng thời, Điều 72 chỉ dự liệu tình huống tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại sẽ phải tiến hành bồi thường nhưng chưa dự liệu tình huống khi người yêu cầu áp dụng BPKCTT cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh được việc áp dụng một quyết định hành chính là trái pháp luật, việc thi hành quyết định sẽ không thể khắc phục được hậu quả. Thế nhưng, tòa án không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc có áp dụng nhưng chậm trễ, dẫn đến gây ra thiệt hại. Trong trường hợp này, tòa án có phải bồi thường thiệt hại không?

Từ đó, TAND Tối cao đề xuất sửa đổi khoản 1, 2 Điều 72 theo hướng: Người yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tòa án áp dụng BPKCTT không đúng với yêu cầu của người yêu cầu hoặc không áp dụng BPKCTT mặc dù người yêu cầu áp dụng BPKCTT đã cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh được việc áp dụng BPKCTT là cần thiết hoặc áp dụng chậm trễ không đúng quy định pháp luật mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba thì tòa án phải bồi thường.

Chủ tịch UBND không ra tòa

Bên cạnh đó, theo phụ lục dự thảo báo cáo, dù đã có văn bản hướng dẫn thi hành điểm c khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đó là cán bộ, công chức được tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh, TP.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính, chủ tịch UBND các cấp là người bị kiện không ra tòa với tư cách của mình, mà đều có văn bản ủy quyền cho cấp phó của mình (phó chủ tịch UBND) tham gia tố tụng hành chính.

Thế nhưng, cấp phó cũng lại đùn đẩy và có văn bản xin được xét xử vắng mặt. Đa phần, họ đều lấy lý do bận công việc, có trường hợp có văn bản xin vắng mặt tất cả buổi làm việc của tòa án. Việc xin xét xử vắng mặt như vậy về thực tế thì không trái quy định của luật nhưng đã gây khó khăn rất nhiều cho công tác giải quyết án.

Cụ thể như không làm rõ được các nội dung liên quan đến việc khởi kiện, không đối thoại trực tiếp để thỏa thuận được và trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện cũng phải được sự đồng ý của người bị kiện…

Đó là những nguyên nhân gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án và gây tốn kém thời gian, công sức và các chi phí cho việc giải quyết.

Vì vậy, TAND Tối cao đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Tố tụng hành chính liên quan đến điều luật này để đảm bảo tính khả thi của luật.

Liên quan đến án hành chính, tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng quy định pháp luật về thi hành án hành chính cũng còn những bất cập. Thực tế có rất nhiều bản án hành chính vẫn chưa được thi hành, điều này khiến người dân rất bức xúc. Vì vậy, luật sư Hòa đề nghị xem xét cả vấn đề này.

Đề xuất đương sự được tranh luận với kiểm sát viên

Theo phụ lục kèm theo dự thảo báo cáo, theo Điều 190 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về phát biểu của kiểm sát viên (KSV) thì KSV được quyền phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án hành chính. Ngay sau phần phát biểu của KSV, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính sẽ chuyển sang phần nghị án.

Như vậy, đối với phần phát biểu của KSV về việc giải quyết vụ án thì các đương sự không được quyền tranh luận với KSV về các ý kiến phát biểu này. Trong khi ý kiến phát biểu của KSV về việc giải quyết vụ án hành chính có ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án hành chính, về tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện, để từ đó đề xuất với HĐXX về việc có chấp nhận, hay không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, là một trong các căn cứ để HĐXX đưa ra phán quyết.

Vì vậy, TAND Tối cao đề xuất bổ sung quy định đương sự được quyền tranh luận, đối đáp với KSV (nếu như các ý kiến phát biểu của KSV có nội dung bất lợi cho đương sự - nội dung này không phù hợp với vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm