Tăng cường Chỉ thị 16: Tính sinh kế để an dân

Liên quan đến việc tăng cường Chỉ thị 16 tại TP.HCM, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định: Nhà nước cho dù siết chặt các biện pháp giãn cách thì cũng cần phải tạo điều kiện để người dân được hỗ trợ tài chính thật kịp thời, song song đó phải để thị trường nhu yếu phẩm vận hành thì mới mong người dân an tâm, đồng lòng chống dịch.

Người dân mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc (quận 3, TP.HCM) trước giờ TP siết chặt Chỉ thị 16. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cái khó của TP.HCM khi siết Chỉ thị 16

. Phóng viên: Thưa ông, sau khi thực hiện Chỉ thị 16 hai tuần, số ca nhiễm vẫn tăng, hệ thống y tế quá tải. Theo quan sát của ông, vì sao lại như vậy?

+ Ông Huỳnh Thế Du: Tôi cho rằng một nguyên nhân căn bản là việc giãn cách chưa được thực hiện một cách nghiêm ngặt như chính sách được thiết kế. Việc thực hiện Chỉ thị 16 vào năm ngoái phát huy hiệu quả nhưng năm nay thì mọi thứ đã khác. Về chủ quan, rõ ràng giai đoạn đầu năm nay đến tháng 4-2021, tâm lý lơ là các biện pháp phòng và chống dịch đã xuất hiện, cũng có thể vì nhiều người thấy Việt Nam trước đó không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng nên việc tuân thủ giãn cách không được nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì chuyện “cơm áo, gạo tiền” rất chi phối. Tôi từng chứng kiến có những người dân qua trạm kiểm soát dịch mà không có giấy xét nghiệm. Các nhân viên kiểm soát là người cùng địa phương, họ biết mặt những hộ nghèo, khó khăn nên làm lơ cho qua. Rất lúng túng và khó xử.

Về tâm lý, ai cũng muốn ở nhà nghỉ ngơi, an toàn. Nhưng dịch kéo dài, nhiều người mất thu nhập, thậm chí bữa ăn của họ cũng thiếu thốn nên họ không thể “ngồi yên trong nhà”. Dù trước Chỉ thị 16, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15, rồi tăng cường Chỉ thị 15 nhưng sự hợp tác từ nhiều người là chưa đủ, dẫn đến dịch len lỏi vào các khu chợ, khu dân cư, xóm lao động đến những con hẻm. Nhà nước đã có những gói trợ cấp nhưng tôi cho như thế vẫn là chưa đủ, vẫn còn rất nhiều người cần được giúp đỡ. Nhiều hộ gia đình vẫn đang canh cánh nỗi lo không có cái ăn trong thời gian tới khi dịch kéo dài.

. TP.HCM đã quyết định siết chặt hơn Chỉ thị 16, điều đó có nghĩa là nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng hơn nữa. Theo ông, ưu tiên lớn nhất bây giờ để chống dịch hiệu quả chính là gì?

+ Tôi đoán không chỉ TP.HCM hay các tỉnh, thành phía Nam, mà thời gian tới, nếu người dân các tỉnh vẫn cứ ra ngoài để đi làm mưu sinh dẫn đến dịch bùng phát thì có khi cả nước sẽ phải áp dụng Chỉ thị 16. Vì vậy, ưu tiên cao nhất lúc này là làm sao để người dân an tâm. Muốn “an dân” thì trước hết Nhà nước phải đảm bảo mạng sống cho họ, tức là làm sao để số ca F0 nặng giảm, tối thiểu số ca tử vong, không để hệ thống y tế vỡ trận. Song song đó cũng phải để người dân có cái ăn, tức là đảm bảo sinh kế cho họ. Điều đó nói thì dễ nhưng làm thì rất thử thách.

. Vậy thử thách lớn nhất với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung khi quyết tâm tăng cường Chỉ thị 16 là gì, thưa ông?

+ Đảm bảo sinh mạng và đảm bảo sinh kế trong bối cảnh đại dịch bùng phát là hai mục tiêu đều quan trọng nhưng lại có tính loại trừ hoặc đánh đổi. Chuyện ưu tiên mạng sống của người dân thì đã rõ: TP.HCM và nhiều tỉnh đã quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16, tổ chức nhiều lực lượng giám sát, xử lý, đảm bảo không lây nhiễm, bảo vệ hệ thống y tế bằng giãn cách tối đa. Thế nhưng, muốn đạt mục tiêu thứ hai - đảm bảo sinh kế thì phải để nền kinh tế, thị trường và một số hoạt động xã hội vận hành. Chuyện đảm bảo nhu yếu phẩm cho hàng chục triệu người dân của TP.HCM và gần 100 triệu người dân của cả nước phải cần đến một lực lượng lao động và hoạt động tương tác khổng lồ. Khi đó, hiệu quả của chính sách giãn cách có thể bị ảnh hưởng.

Tăng cường Chỉ thị 16: Tính sinh kế để an dân ảnh 2
 

Gói cứu trợ từ Chính phủ là cực kỳ quan trọng

Quỹ vaccine hay các đóng góp khác từ xã hội là rất quý, giúp “nối dài” cánh tay của chính quyền đến với người dân. Tuy nhiên, để có gói cứu trợ đủ lớn (như gói 5% GDP tôi đề xuất) trong bối cảnh hiện nay, chỉ nên dùng ngân sách. Huy động nguồn lực khác rất khó khả thi, nhất là khi dịch dã thì hầu hết người dân, doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng. Hơn nữa, nếu vận động thì phải có thêm các hoạt động và tương tác, làm nguy cơ lây lan gia tăng.

Chúng ta phải chấp nhận dùng ngân sách để chi ra một khoản tiền lớn để giúp người dân có cái ăn, an tâm ở trong nhà, khi đó chúng ta mới có giãn cách tối đa để chống dịch. Không gì quan trọng hơn gói cứu trợ từ Nhà nước vào lúc này.

Ông HUỲNH THẾ DU, giảng viên Trường Chính sách công
và Quản lý Fulbright

Giải pháp: Gói cứu trợ và tổ chức lại hoạt động xã hội

. Làm sao để có thể cân bằng hai mục tiêu nói trên khi buộc phải chấp nhận đánh đổi, bù trừ?

+ Tôi nghĩ trước hết người dân phải có tiền đủ để mua các nhu yếu phẩm và trang trải cho các nhu cầu thiết yếu, ít nhất trong vòng 3-6 tháng tới - khi vaccine đủ nhiều, đạt tỉ lệ miễn nhiễm cộng đồng để chặn lây nhiễm và hệ thống y tế cũng được nâng cao hơn. Tôi đề xuất gói cứu trợ trị giá 3,4 triệu đồng/người. Gói này tương đương 5% GDP năm 2021, áp dụng cho cả nước trong bối cảnh phải áp dụng Chỉ thị 16 để chống dịch. Có thể thông qua hệ thống quản lý thông tin về nhân khẩu của người dân để đảm bảo không nhận trùng hoặc bị thiếu. Quan trọng là phải làm kịp thời để người dân lo cái ăn, khi đó họ không còn lý do để ra ngoài mưu sinh và cơ quan chức năng cũng dễ dàng siết chặt các biện pháp chế tài vi phạm giãn cách.

Ngoài ra, có tiền rồi thì mua thức ăn ở đâu? Đó là câu chuyện của thị trường. Có ý tưởng cho rằng để chống dịch thì gom hết về đầu mối Nhà nước, sau đó cử các đại diện đi thu mua thực phẩm và phân phối lại tận cửa nhà cho người dân để họ không ra đường. Tôi cho rằng nếu áp dụng phạm vi rộng thì không nên. Bởi vì nó dễ làm phát sinh độc quyền, lợi ích nhóm.

Hãy để thị trường có thể vận hành, từ khâu nuôi trồng, sản xuất đến phân phối đến người tiêu dùng từng ký gạo, ký thịt hay con cá, quả trứng, bó rau… Khi siết Chỉ thị 16, vai trò của Nhà nước là tạo điều kiện cho các hoạt động đó diễn ra theo “trạng thái bình thường mới”, tức là sản xuất, cung ứng thực phẩm đảm bảo chuỗi cung ứng không bị tắc nghẽn nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo các quy tắc giãn cách để chống dịch một cách hiệu quả.

. Cụ thể, Nhà nước nên tạo điều kiện như thế nào khi buộc phải giảm tối đa các hoạt động xã hội để chống dịch?

+ Tôi cho rằng sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh sẽ không gặp nhiều khó khăn khi áp dụng Chỉ thị 16, mặc dù vẫn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nhưng thấp do khoảng cách lớn và tương tác giữa người với người thấp. Cái khó nhất là dây chuyền thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến bảo quản, vận chuyển, bán đến tay người tiêu dùng. Vậy không chỉ nông dân làm việc mà công nhân bốc vác hàng hóa, tài xế vận chuyển, nhân viên hậu cần, tiểu thương, siêu thị, thậm chí các khu chợ (lưu động), nhân viên giao hàng… đều phải vào cuộc.

Như vậy, trước hết phải ưu tiên tiêm vaccine và các thiết bị bảo hộ y tế (khẩu trang, sát khuẩn) cho những người này. Thứ hai, phải tổ chức lại các quy định kỹ thuật về mua bán. Tôi lấy ví dụ: Quy định phòng dịch với tài xế xe, nhân viên giao hàng; quy định về tổ chức sơ đồ mua bán trong chợ, siêu thị đảm bảo 5K; đánh giá đúng mức độ nguy cơ để biết đóng/mở cửa chợ/siêu thị kịp thời; tổ chức luồng xanh cho xe thực phẩm; khuyến khích mua hàng trực tuyến…

 

Cần “kết nối cộng đồng” để người dân an tâm chống dịch

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), nhận định: Khi siết Chỉ thị 16 để chống dịch, người dân lo thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men, bệnh tật, cấp cứu… Muốn người dân an tâm trong nhà, chính quyền nên tạo ra “kết nối cộng đồng” bằng việc tổ chức lại hệ thống kết nối thông tin xuyên suốt 24/7, sẵn sàng lắng nghe người dân.

Mỗi nhóm dân cư ở cùng con hẻm, khu phố, khu chung cư, xóm trọ… cần kết nối với nhau và với chính quyền để giúp đỡ nhau và để nhận sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước. Thực tế đã có những khu phố, những khu chung cư đông người đã làm được điều này. Trong đó, vai trò của cán bộ cơ sở (tổ dân phố, khu phố, phường, công an khu vực…) rất quan trọng. Họ làm đầu mối để thu thập số điện thoại, tài khoản mạng xã hội… để kết nối mọi người với nhau. Người dân có thể nhanh chóng phản ánh ý kiến tới chính quyền; ngoài ra, họ cũng có thể tự chia sẻ với nhau từng bó rau, ký gạo, gói mì. Mô hình này nên được nhân rộng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm