Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án

(PLO)-  TAND Tối cao yêu cầu TAND các cấp cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài để tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bằng nhiều hình thức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao ban hành Chỉ thị số 02 ngày 14-3-2022 về việc tăng cường công tác hoà giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, sau khi triển khai thi hành luật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa đáp ứng được yêu cầu hoà giải đối thoại tại toà.

Chánh án TAND Tối cao ban hành Chỉ thị 02 nêu rõ một số vấn đề cần làm để đảm bảo hiệu quả thi hành Luật.

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Yêu cầu TAND cấp tỉnh, huyện phải xác định việc tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án.

Bên cạnh đó, Chánh án cần phải phân công Thẩm phán có năng lực, kinh nghiệm phụ trách hòa giải, đối thoại; tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền và thực hiện các hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ngoài ra, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, thường xuyên nắm bắt việc triển khai thi hành Luật; phải kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ Hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại…

Trực tiếp phổ biến, tuyên truyền cho người khởi kiện, người yêu cầu

Đối với trường hợp đơn yêu cầu được nộp trực tiếp tại trụ sở Tòa án thì bộ phận tiếp nhận đơn kiểm tra ngay, nếu xét thấy thuộc trường hợp hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì phối hợp với Hòa giải viên phổ biến, tuyên truyền ngay về Luật.

Những trường hợp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến thì Hòa giải viên trực tiếp liên hệ với người khởi kiện, người yêu cầu để phổ biến, tuyên truyền.

Ngoài ra, các Tòa án cần phải phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài để tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bằng nhiều hình thức như: viết bài tuyên truyền; thường xuyên đưa thông tin về những lợi ích mà kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã mang đến cho các bên tranh chấp, khiếu kiện, như đưa tin trên bảng tin, phát tờ rơi...

Tập trung nâng cao năng lực hoạt động của Hòa giải viên

Hòa giải viên cần phải tuyển chọn đầy đủ theo hướng dẫn của TAND Tối cao. Bên cạnh đó phải thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải, đối thoại; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các Hòa giải viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Các hoà giải viên phải phấn đấu, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng hòa giải, đối thoại; khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; phối hợp chặt chẽ với Tòa án để thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phát huy tính linh hoạt trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phương thức hòa giải, đối thoại linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi loại vụ việc là một đặc điểm nổi bật của hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần được phát huy; đặc biệt trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Hòa giải viên có thể trao đổi thông tin với các bên tranh chấp, khiếu kiện bằng điện thoại hoặc các phương tiện liên lạc điện tử khác, tăng cường cách thức làm việc riêng với từng bên.

Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất thì mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại trụ sở Tòa án.

Ngoài ra, căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế, TAND các cấp bố trí đầy đủ phòng làm việc cho Hòa giải viên, phòng hòa giải, đối thoại cho hợp lý; trang bị những phương tiện cần thiết để bảo đảm cho các Hòa giải viên có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm