Tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng

(PLO)- Năm 2023 ngành kiểm sát tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-12, Hội nghị triển khai công tác năm 2023 ngành kiểm sát nhân dân được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND Tối cao đến hơn 817 điểm cầu trong toàn ngành.

Làm tốt vai trò của VKS trong kiểm soát quyền lực tư pháp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận trong năm 2022, ngành kiểm sát nhân dân đã thực hiện đạt và vượt nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác Quốc hội giao, kết quả công tác năm 2022 đạt cao hơn năm 2021 và những năm trước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, Chủ tịch nước đánh giá cao ngành đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, như các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương có liên quan, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Công ty Tân Hoàng Minh, Công ty Vạn Thịnh Phát...

Lưu ý nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng cần nâng cao hơn nữa vai trò của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để khởi tố, điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định. Qua đó, làm tốt vai trò của VKSND trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực tư pháp dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp kiểm sát cả về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và tính nêu gương; tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý để rèn luyện thử thách cán bộ, đào tạo toàn diện cán bộ.

Ông cũng đề nghị ngành kiểm sát tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự; tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của VKS nói riêng...

Xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu tiếp thu, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cam kết chỉ đạo ngành kiểm soát nhân dân phát huy những ưu điểm và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong năm 2022.

Đảm bảo thực hiện tốt các nguyên tắc của tố tụng

Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành thực hiện tốt các nguyên tắc của tố tụng như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; vừa đảm bảo xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi; đồng thời đảm bảo tính nhân văn, thuyết phục.

Ông Trí cho hay năm 2023 VKSND Tối cao sẽ tập trung thực hiện một số nội dung. Đáng chú ý, ngành sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Cạnh đó là việc hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử...

Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hình thức, nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên. Ông Lê Minh Trí cũng nhắc tới việc tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong đơn vị để chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật. Cùng với đó, ngành tập trung đào tạo về năng lực chuyên môn, trách nhiệm công vụ, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên.

Cũng theo ông Lê Minh Trí, VKSND các cấp tiếp tục làm tốt công tác chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ngành cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đồng thời, tăng cường thu hồi tài sản của Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để góp phần hiệu quả cho công tác phòng chống tham nhũng, góp phần ổn định xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Án về tham nhũng, chức vụ được khởi tố tăng nhiều nhất

Báo cáo công tác của ngành kiểm sát nhân dân cho thấy năm 2022, số vụ án về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố tăng nhiều nhất (hơn 39%). Đáng lưu ý, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19, câu kết với một số cán bộ cơ quan nhà nước để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn thông qua các hành vi đưa - nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Báo cáo cũng cho hay trong công tác chỉ đạo, Viện trưởng VKSND Tối cao xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành. Yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Quá trình giải quyết vụ án chú trọng phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ vật chất để buộc tội. Khi người tình nghi khai nhận hành vi phạm tội, phải khẩn trương, kịp thời kiểm tra, củng cố, chuyển hóa thành các chứng cứ vật chất để kết hợp chứng minh tội phạm bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Ngoài ra, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng yêu cầu thận trọng, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm