Theo thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM, đoàn cấp cao lãnh đạo Bộ TN&MT sẽ tham dự phiên họp của hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 23 (COP 23) từ ngày 14 đến 17-11 tại TP Bonn, Đức.
Thống nhất điểm quan trọng
Tại cuộc họp đoàn công tác diễn ra mới đây ở Hà Nội, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đối khí hậu, cho biết COP 23 là hội nghị đàm phán then chốt, chuẩn bị cho việc đánh giá nỗ lực toàn cầu vào năm 2018. Các quốc gia thành viên công ước khung của Liên hợp quốc sẽ thống nhất những điểm quan trọng, chi tiết về quy trình, thủ tục, hướng dẫn các quy định thực hiện thỏa thuận Paris để có thể thông qua tại COP 24 năm sau.
Những nội dung quan trọng cần thống nhất quy định bao gồm: thích ứng, tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính cho ứng phó BĐKH, chuyển giao công nghệ, khung minh bạch về hành động, hỗ trợ… Đoàn đàm phán của các quốc gia sẽ thảo luận những nội dung này tại các phiên đàm phán kỹ thuật.
Ông Tấn cho biết, quan điểm đàm phán của Việt Nam tại COP 23 vẫn sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về BĐKH, tham gia các phiên đàm phán quan trọng, tác động trực tiếp đến công tác ứng phó trong nước.
Tác động đến môi trường
Ảnh: ST
BĐKH toàn cầu đã có những tác động đáng kể đối với môi trường. Các sông băng dần bị thu hẹp lại, thời tiết dần trở nên khắc nghiệt hơn... Cộng với ý thức tiêu dùng, sinh hoạt, sản xuất của con người đã làm tình trạng BĐKH trở nên khó giải quyết hơn. Không những vậy, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực khác khi các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thập kỷ tới. Chủ yếu là khí nhà kính do các hoạt động của con người tạo ra.
Trên trái đất, các hoạt động của con người đang làm thay đổi nhà kính tự nhiên. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu đã làm tăng nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển. Điều này xảy ra vì quá trình đốt than hoặc dầu kết hợp cacbon với oxy trong không khí để tạo ra CO2. Mới đây, bản báo cáo về nhiên liệu hóa thạch 2017 do Mạng lưới hành động vì rừng mưa công bố đã phản ánh những thông tin khá ảm đạm về việc ứng phó với BĐKH. Nổi bật là chương trình đầu tư của một số tổ chức tài chính vào những dự án về nhiên liệu hóa thạch, than đá. Khí thải từ nhiệt điện than không chỉ dẫn đến BĐKH mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, dẫn đến cái chết cho 800.000 người trên toàn thế giới mỗi năm. Qua đó, bản báo cáo yêu cầu các tổ chức này cần có cái nhìn, nhận thức đúng đắn, trách nhiệm hơn trong việc ra quyết định đầu tư vào những dự án có lợi cho môi trường.
Thông tin tại hội thảo do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tổ chức cho biết bụi siêu nhỏ PM2.5 trong khí thải của nhiệt điện than có thể bay xa hàng trăm kilômet, ảnh hưởng đến chất lượng đất đai, mùa màng và nghiêm trọng hơn là sức khỏe. Những hạt bụi siêu nhỏ khi vào phổi sẽ gây ra nhiều bệnh như: phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi. Chúng có thể thâm nhập sâu vào hệ tuần hoàn dẫn đến đột quỵ, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim thiếu máu. Ngoài ra, các chất hóa học là sản phẩm từ quá trình đốt than như kim loại, khí ozon khi phản ứng với các phân tử khác trong không khí dưới điều kiện ánh sáng mặt trời tạo thành những lớp sương mù độc hại. Việc hít phải loại sương này sẽ gây ra các triệu chứng tức ngực, ho và khó thở; lâu dần sẽ dẫn đến bệnh hen suyễn và viêm phổi mãn tính.