Dự án này đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra và nhận được sự quan tâm của xã hội với những dự kiến thay đổi như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày 27-7.
Trưởng Ban dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TS Nguyễn Quang Minh cho rằng dự thảo có nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhưng lại không có tính khả thi do chưa tính đến yếu tố bất bình đẳng và chịu chi phối trong quan hệ lao động giữa một bên là người lao động và một bên là người sử dụng lao động, nên đã thể hiện theo hướng cho hai bên tự thỏa thuận.
Do đó, ông Minh đề nghị rà lại tất cả các quy định mang yếu tố thỏa thuận giữa hai bên. Những quy định nào cần thiết phải quy định là quyền, quyền lợi của người lao động cần bắt buộc phải bảo vệ thì cần quy định lại rõ theo hướng là quyền của người lao động và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó Ban chính sách-pháp luật của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất, việc tăng giờ làm thêm cần tính toán kỹ tác động đối với người lao động, nhất là lao động nữ, lao động ở những ngành nghề nặng nhọc, vì họ cần thời gian để tái tạo sức lao động, nghỉ ngơi, chăm lo gia đình. Chính vì vậy, Luật cần quy định rõ những ngành nghề nào được làm thêm giờ cũng như quy định rõ cách tính lũy tiến tiền làm thêm giờ, bảo đảm người lao động phải được bảo đảm quyền lợi khi làm thêm.
Cũng theo bà Thoa, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa “bảo đảm tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì làm thêm giờ không quá 400 giờ trong một năm” là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế. Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động và góp phần bảo vệ tốt hơn tiền lương của họ.
Cũng về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp (2.340 USD năm 2017), năng suất lao động còn ở mức thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn thì mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Quảng việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, bảo đảm tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động. Để tránh tình trạng người sử dụng lao động vắt sức người lao động để làm thêm giờ trong một khoảng thời gian dài liên tục cần tiếp tục duy trì giới hạn trần làm thêm giờ trong một tháng. Dự thảo cũng xác định việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ. Như vậy, so với pháp luật hiện hành, dự thảo luật đã bỏ giới hạn trần làm thêm giờ trong tháng và mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm.
Phó Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này gồm 17 chương, 221 điều, sửa đổi 171 điều trong tất cả các chương và có liên quan đến 14 chính sách lớn, là sự sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động 2012, là vấn đề rất được người dân quan tâm.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết sẽ tổng hợp những ý kiến, đề xuất nêu trên gửi tới Ban soạn thảo để có thêm thông tin, ý kiến trong các tầng lớp nhân dân đối với những nội dung sửa đổi, nhất là những vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Từ đó tạo sự đồng thuận, tính khả thi của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong thực tiễn cuộc sống.