Chiều 12-11, với 451 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2020.
Theo đó, tổng thu NSNN năm 2020 được quốc hội thông qua là trên 1,512 triệu tỉ đồng, con số chi NSNN là trên 1,747 triệu tỉ đồng. Bội chi NSNN ở mức 234.800 tỉ đồng, trong đó, ngân sách trung ương bội chi 217.800 tỉ, phần còn lại dành cho bội chi địa phương. Mức bội chi của NSNN chiếm 3,44% GDP.
Quốc hội đồng ý thông qua Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là trên 488.921 tỉ đồng.
Quốc hội cũng điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Theo đó, cơ cấu vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của hai dự án trọng điểm quốc gia được điều chỉnh theo hướng tăng vốn ngoài nước và giảm vốn trong nước, tương ứng là trên 3.580 tỉ đồng.
Bổ sung trên 241.000 tỉ đồng cho các dự án giảm nghèo bền vững, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và và bố trí số vốn tương ứng trong dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2020 để thu hồi vốn ứng trước.
Hòa chung số vốn 4.069 tỉ đồng còn lại chưa phân bổ trong tổng số 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Giao Chính phủ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14-6-2019 của Quốc hội.
Các nguồn viện trợ cũng được quyết nghị bổ sung cho một số tỉnh.
Quốc hội cũng giao cho Chính phủ nhiều nhiệm vụ quan trọng để thực hiện nghị quyết về NSNN 2020. Trong đó, có nhiệm vụ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.
Thu NSNN, Chính phủ được yêu cầu “chỉ đạo quyết liệt”, cơ cấu lại các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỉ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, cải cách, hiện đại hóa ngành thuế…
Nguồn thu từ XSKT được tiếp tục sử dụng cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Nếu còn thì bố trí cho một số dự án khác không thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu “tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm… Cùng với đó là nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Quốc hội giao cho các cơ quan chuyên trách và MTTQ giám sát việc thực hiện nghị quyết. KTNN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. |