Tại phiên thảo luận với chuyên đề “Phân tích tác động kinh tế - xã hội từ việc thực thi các chính sách thuế lên ngành nghề” do Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) tổ chức ngày 18-11, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính liên quan đến việc cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.
Cần cân nhắc đến tác động liên ngành khi tăng thuế
Hiện ngành đồ uống đang đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 60.000 tỉ đồng/năm, tương đương khoảng 3% tổng thu ngân sách. Vì vậy, việc tìm đến phương án phù hợp để đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích các bên là điều cần phải hướng tới.
Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đối với bia và rượu trên 20 độ, phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và mỗi năm sau đó đều đặn tăng thêm 5% để đạt mức thuế suất 90% vào năm 2030. Phương án 2, Bộ đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 80% ngay từ 2026 và mỗi năm tăng đều đặn 5% để lên mức 100% vào 2030.
Đối với rượu dưới 20 độ, phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 40% vào năm 2026 và tăng lên 60% vào năm 2030; Phương án 2 đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% vào năm 2030.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dường như Bộ Tài chính chưa có đánh giá tác động kinh tế - xã hội một cách toàn diện đối với các phương án nêu trên.
Bà Thảo đồng tình với đề xuất của Hiệp hội Rượu bia Nước giải khát (VBA) về việc vẫn tăng thuế, nhưng với mức tăng thuế thấp hơn, thời điểm tăng thuế lùi lại từ năm 2027, tăng 5%/năm theo lộ trình 2 năm/lần. Đến năm 2031 mức thuế với sản phẩm đồ uống sẽ đạt đến 80% (có thể gọi đó là phương án 3).
Theo bà Thảo, khi tăng thuế, giá bia tăng, sản lượng của ngành bia sụt giảm, dẫn đến sản xuất của 21 ngành khác trong quan hệ liên ngành đồng thời giảm theo.
Bà Thảo nhấn mạnh, nghiên cứu của CIEM cho thấy nếu theo lộ trình tăng thuế theo phương án 2, giá trị tăng thêm của ngành bia có thể giảm ngay 8% từ năm 2026 và giảm tiếp đến 11% trong năm tiếp theo. Còn nếu theo phương án 3, giá trị tăng thêm của ngành bia vẫn giảm, nhưng mức giảm chỉ khoảng 7,2%/năm.
Khi tăng thuế theo lộ trình trên, Nhà nước có lợi về tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn lại thu hẹp nguồn thu khi doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.
"Tăng thu ngân sách chỉ đạt trong ngắn hạn, còn trung và dài hạn thì nguồn thu ngân sách bắt đầu suy giảm do ngành bia và các ngành trong quan hệ liên ngành cũng giảm doanh thu"- Bà Thảo nói.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch PwC Việt Nam, giả thiết các chi phí khác và lợi nhuận không đổi, giá bán lẻ bia vào năm 2030 sẽ tăng trung bình khoảng 20-30% so với giá bán lẻ năm 2025 cho cả 3 phân khúc giá cao, giá trung bình và giá bình dân.
Nói đến các kịch bản có thể xảy ra khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh, theo bà Vân, sản lượng tiêu thụ giảm tự nhiên 1%/năm, mức tăng giá tự nhiên 1%/năm, nhà sản xuất tăng giá để bù đắp 50% chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm. Đến năm 2030, tổng lượng tiêu thụ và doanh thu toàn ngành giảm mạnh. Như vậy, thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng không bền vững.
Do đó, bà Đinh Thị Quỳnh Vân kiến nghị, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia cần xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh. Cần giãn tiến độ tăng thuế, tránh tăng sốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và ngành. Đồng thời, cần cân nhắc thay đổi mô hình thuế để phù hợp với kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế.
Bà Vân cũng nhấn mạnh tiêu dùng người dân hiện còn chưa đạt mức trước COVID-19, chính vì vậy việc tăng thuế sẽ chỉ khiến cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành bia và 21 ngành liên quan khó khăn thêm.
Doanh nghiệp mong môi trường thuế ổn định
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, tăng thuế tác động đến chuỗi giá trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hạn chế động lực phát triển của doanh nghiệp; tác động tiêu cực đến an sinh xã hội; làm gia tăng rủi ro của thương mại bất hợp pháp.
Để tạo môi trường ổn định cho ngành bia phục hồi, ông Nguyễn Thanh Phúc kiến nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt trong một năm kể từ năm 2026 khi luật sửa đổi bắt đầu hiệu lực, tức lần tăng thuế đầu tiên sẽ vào năm 2027.
Sau đó, để người tiêu dùng dần thích nghi với mức giá mới do việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện Heineken kiến nghị sau mỗi 2 năm thì tăng thuế một lần và mỗi lần tăng 5%, đến năm 2031 tăng tối đa đến 80% và duy trì ổn định.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh Heineken cũng đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1 tỉ Euro, tạo ra hơn 170.000 việc làm trong chuỗi giá trị. Những khó khăn mà Heineken và các doanh nghiệp khác cùng ngành phải đương đầu sẽ gây ảnh hưởng đến rất nhiều người lao động.
Nhiều nước áp thuế rất cao
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo tính toán của WHO, tại Việt Nam, thuế rượu bia chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều quốc gia, con số này là 40-85% giá bán lẻ.
ThS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng WHO tại Việt Nam, cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp hiệu quả để làm giảm sử dụng rượu bia. Chính vì vậy, WHO ủng hộ phương án 2 do Bộ Tài chính đề xuất, vì mang lại nhiều hơn lợi ích về sức khỏe và tăng thu thuế cho chính phủ.
Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3-3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp.
Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia của Việt Nam ở mức thấp nhất của thế giới, tức 1,3% GDP thì thiệt hại ước tính cũng lên đến khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
Hai bộ Tài chính, Y tế đề xuất lộ trình tăng giá bán rượu bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và ngăn tác hại sức khỏe.
Tính đến 2023, có 148 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại rượu, bia, ví dụ áp thuế tỷ lệ: bia (46 quốc gia), rượu mạnh (50 quốc gia).
Nhiều quốc gia láng giềng của Việt Nam có giá rượu bia rất cao do Chính phủ mạnh tay trong việc áp thuế. Một lon bia ở Thái Lan có giá bình quân cao gấp đôi Việt Nam