“Nếu không cải cách thể chế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ bị ra rìa trong tiến trình hội nhập”. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã nói như thế tại tọa đàm về kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế gắn với hội nhập kinh tế quốc tế do viện này tổ chức ngày 18-1.
Theo TS Nguyễn Đình Cung những động lực để cải cách trong 30 năm qua đã tới hạn nhưng những động lực mới cho cải cách tiếp theo vẫn chưa tìm thấy. “Cần phải thay đổi cách điều hành kinh tế. Cần một hệ điều hành mới bền vững, bao dung và dài hạn hơn chứ không phải là tăng trưởng ngắn hạn, vốn gây ra nhiều phí tổn cho nền kinh tế” - ông Cung nói.
Lấy ví dụ về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên tới 8.000 đồng/lít vừa qua, ông Cung bày tỏ lo ngại: Năm 2017 có lẽ chưa tạo ra được thay đổi. Theo ông Cung, vấn đề thu ngân sách có lẽ sẽ ảnh hưởng tới việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Nhìn về quá trình hội nhập, ông Cung cho rằng: Hội nhập, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO tới nay, đã mang lại nhiều cơ hội nhưng các doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi nhiều hơn. Ví dụ rõ nhất là về xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn. Nút thắt của vấn đề này, theo ông Cung, chính là từ cải cách thể chế chưa được như mong muốn.
Đồng tình, chuyên gia Võ Trí Thành khẳng định: Những cải cách từ khi gia nhập WTO đã mang lại cơ hội và lợi nhuận cho các doanh nghiệp nước ngoài tới 80%. “Nếu không có cải cách từ bên trong, chắc chắn tỉ lệ này vẫn được giữ nguyên và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nền kinh tế không được hưởng lợi như lẽ ra phải được” - TS Võ Trí Thành nói.
Phó Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (CIEM), ThS Nguyễn Anh Dương, nhận định: Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2017 mang tính bất định tương đối cao. Các biến cố ảnh hưởng tới nền kinh tế có thể xảy ra ngay chính tuần này, tháng này và phản ứng chính sách của các nước khác cũng có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Năm 2017, trừ tăng trưởng GDP 6,7% các mục tiêu khác đều thấp hơn năm 2016. Nhiều ý kiến lo ngại cơ sở để đạt mức tăng trưởng khả quan, theo ông Dương, mục tiêu chỉ không đạt được khi giữ cách điều hành chính sách như hiện tại, thiếu sự chuẩn bị trước các biến cố...