Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM không phải xin xỏ, năn nỉ

(PLO)- Theo ĐBQH TP.HCM, tỉ lệ điều tiết ngân sách 21% cho TP có thể giữ đến năm 2025 nhưng giai đoạn 2026-2030 cần tăng lên 23% hoặc cao hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-7, tại hội nghị nghe ý kiến góp ý về dự thảo báo cáo tổng kết nghị quyết 54/2017 và báo cáo sơ kết một năm thực hiện nghị quyết 131/2020, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã bày tỏ quan tâm về đề xuất liên quan đến tỉ lệ điều tiết ngân sách mà trung ương để lại cho TP trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội nghị.

Ảnh: LÊ THOA

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cho rằng việc giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP 21% cho 10 năm tới là quá dài. Ông dẫn chứng khi làm Nghị quyết 54, TP được giữ lại 18% thì lúc này Hà Nội là 35%, rõ ràng là bất hợp lý nên cần xin lên. Hiện tại, TP.HCM được 21% thì Hà Nội còn 33%.

ĐB Nhân kiến nghị cần xin lộ trình cho việc này lần lượt từ 18% lên 21%, 23%, 25% và 27%. Giai đoạn 2023-2025 nên đề xuất 23% (tức bằng 70% của Hà Nội) và tăng dần đến năm 2030.

Cũng theo ĐB Nhân, TP thu ngân sách khoảng 400.000 tỉ đồng nhưng chi ngân sách khoảng 80.000 tỉ đồng, với tỉ lệ 1/5. TP.HCM là địa phương duy nhất có tỉ lệ này, chi một đồng ngân sách thì ngân sách thu về là năm đồng.

Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận để TP làm được vai trò, nhiệm vụ mà cả nước giao cho thì cần thẩm quyền tự quản cao hơn các địa phương khác.

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phát biểu tại hội nghị.

Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Nghĩa, TP cần được phân bổ ngân sách cao hơn. Tỉ lệ điều tiết 21% có thể giữ đến năm 2025 nhưng giai đoạn 2026-2030 cần tăng lên 23% hoặc cao hơn nữa.

“Chúng ta phải chứng minh 23% hay 25% mới đảm bảo những gì trên nghị quyết của trung ương đã ghi về TP.HCM” – ĐB Nghĩa nói và cho rằng cả việc quá tải về quy mô dân số khiến một công chức phải phục vụ số lượng người dân cao gấp nhiều lần trung bình cả nước cũng là minh chứng.

Theo ĐB Nghĩa vừa qua có thông tin TP.HCM tinh giản biên chế nhiều năm nhưng vẫn còn dư hơn 5.000 biên chế, việc dư hơn 5.000 biên chế này “không ăn thua gì” mà phải cao hơn vài chục ngàn biên chế mới đảm bảo được nhiệm vụ của TP.

Bên cạnh đó, TP cũng cần cơ chế đột phá để khắc phục sự tụt hậu, xuống cấp, bất cập về hạ tầng kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, văn hoá, du lịch…

“Đây là vấn đề khoa học, khách quan chứ không phải xin xỏ, năn nỉ” – ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Liên quan đến việc này, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cũng cho rằng nếu trong 10 năm tới chỉ giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là 21% thì sẽ rất khó khăn.

“Có vấn đề băn khoăn, nếu giữ được 21% trong 10 năm thì cũng tốt, TP sẽ phải nỗ lực để con số tuyệt đối tăng lên, từ đó nguồn được giữ lại cho TP tăng lên, sẽ hợp lý hơn” – ĐB Tuyết nhìn nhận và lo lắng nếu TP đề xuất mức tăng nhiều quá thì QH không đồng ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm