TS Nguyễn Đức Thành cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế năm năm tới khó có thể đạt được kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 6,5%-7%. Nghiên cứu của VEPR đưa ra 27 kịch bản cho kinh tế Việt Nam, trong đó tất cả đều chỉ báo mức tăng trưởng hội tụ ở xung quanh mức 6%. Mức tăng trưởng này tuy thấp hơn nhiều so với kế hoạch phát triển kinh tế được Đại hội Đảng thông qua nhưng rất tương đồng với mức dự báo trước đó của IMF.
Xét về chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người, tính toán của VEPR cho rằng mỗi người Việt Nam sẽ chỉ có thu nhập khoảng 2.756-3.219 USD/năm vào 2020. Mức này thấp hơn mục tiêu 3.200-3.500 USD/người/năm mà Đại hội Đảng XII thông qua.
Tại hội thảo, các chuyên gia của VEPR đề xuất một mô hình xây dựng chính sách kiểu mới, đi liền với cải cách hệ thống hành chính công. Cùng với đó là tăng kết nối liên bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mới của Việt Nam, đưa đất nước tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và bẫy hội nhập quốc tế.
Theo đó, mô hình này yêu cầu Việt Nam cần một cơ chế lãnh đạo mạnh, có tầm nhìn, được hỗ trợ bởi các cấp quản lý có năng lực, một hội đồng cạnh tranh làm việc có hiệu quả và có thể khai thác tốt nhất các chính sách cam kết kinh tế quốc tế từ các FTA.
Ngoài ra, giải pháp đột phá theo nhóm nghiên cứu là thiết lập một Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia cho Việt Nam do Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng phụ trách ngành công nghiệp) làm chủ tịch. Mục đích của hội đồng là liên kết các bộ khác nhau phải làm việc cùng nhau, qua đó giám sát và điều phối các chiến lược trọng điểm.
Ông Thành cho rằng Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ trong quá khứ không phải là một dạng Hội đồng Quốc gia. Bởi qua quan sát, ban chỉ đơn thuần cố vấn, tức các quyết sách vẫn do Thủ tướng và các bộ trưởng đề ra. Thêm vào đó là sự thiếu vắng của cộng đồng doanh nghiệp khiến chính sách đưa ra không có nhiều tác động tích cực.