Ngày 18-4 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023.
Tổng Cục Thống kê cho biết quý I-2023, GDP tăng thấp hơn so với kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, quý I-2023, dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định song những chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển
Mức tăng trưởng đáng khích lệ
Trong quý chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm trước. Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành khai khoáng giảm 4,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước tính đạt 79,17 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 75,1 tỉ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước tính đạt 1.505,3 ngàn tỉ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm.
Ảnh minh họa |
Nhiều mục tiêu cho năm 2023
Để hoàn thành mục tiêu năm 2023 là một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, sở, ngành tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của Trung ương và địa phương đã ban hành; nhất là các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 01 ngày 06-01-2023 của Chính phủ; Quyết định số 32 ngày 09-01-2023 của Bộ Công Thương.
Tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, tổ chức cơ cấu lại các ngành nghề kinh tế, xác định các ngành trọng điểm, các bước đột phá nhằm khai thông điểm nghẽn, tạo động lực, bứt phá, bảo đảm điều kiện để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất; ưu tiên xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Các Sở Công Thương cần bám sát tình hình thực tiễn, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn trong phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, công nghiệp vật liệu, chế tạo, chế biến...
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, tập trung rà soát, xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại trong giai đoạn tới phù hợp với những định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng...
Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.