Tăng trưởng kinh tế đạt cao song chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao. Đây là thực tế được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội năm 2017 ngày 2-11.
Phó Thủ tướng đánh giá kết quả tăng trưởng kinh tế chín tháng qua đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà nó tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành, lĩnh vực.
“Lần đầu tiên nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng. Điều đó nói lên chúng ta vừa tăng trưởng tích cực nhưng đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khu vực nông nghiệp chín tháng qua tăng 2,78%, tức là gấp hơn bốn lần so với cùng kỳ năm 2016. Riêng thủy sản tăng 5,42% và xuất khẩu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, ước cả năm đạt 35 tỉ USD, cao hơn năm trước xấp xỉ 3 tỉ USD.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng chín tháng tăng 7,17%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng rất mạnh 12,77% và trong tháng 10 này chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh hơn rất nhiều, tăng 17%. Xuất khẩu tăng mạnh, 10 tháng đạt 173 tỉ USD, tức là gần bằng tổng xuất khẩu năm 2016.
Từ đó góp phần giảm nhập siêu, đến thời điểm này đã xuất siêu được 1,23 tỉ USD, không nhập siêu.
Trong xuất khẩu có nhiều sản phẩm đạt kết quả rất đáng mừng, đó là rau quả tăng đến 42,7%, các thiết bị sản xuất máy tính tăng 38,8%, các máy móc, thiết bị, phụ tùng... của các ngành công nghiệp chế biến tăng 28% và có rất nhiều sản phẩm mới được tạo ra. Do đó tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng thẳng thắn tăng trưởng kinh tế đạt cao song chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ vẫn còn ít, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm.
Đặc biệt giá trị gia tăng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn thấp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp còn chậm và lúng túng khá nhiều ở những ngành, những lĩnh vực, địa phương.