Ngày 15-4, Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Đồng chủ trì có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Phải đổi mới tư duy phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Cùng với đó phải khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.
“Chính vì vậy, Bộ Chính trị các khóa trước cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng. Cùng với đó là các chương trình hành động và các cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi vùng và cả nước” - Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù; phân bổ nguồn lực; nguồn nhân lực và tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng. Từ đó giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.
“Đồng thời phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - cả nước vì vùng và vùng vì cả nước. Xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết theo đúng tinh thần “đúng vai, thuộc bài”” - Tổng bí thư lưu ý.
Theo Tổng bí thư, phải khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.
Cần vượt lên chính mình, không thua kém tỉnh, vùng khác
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ phải có quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan ở trung ương phải tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.
Tổng bí thư yêu cầu các địa phương trong vùng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cạnh đó, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau hội nghị này, căn cứ vào nghị quyết và kế hoạch của Bộ Chính trị, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.
Trung du, miền núi Bắc bộ phải là vùng phát triển xanh,
bền vững
Năm 2004, xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc bộ, ngày 1-7-2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37- NQ/TW, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng.
Nghị quyết 11-NQ/TW có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng: Quyết tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ - nơi “địa đầu”, “phên giậu”, “lá phổi” của Tổ quốc...
Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, thủ đô Hà Nội…
Đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...
Tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng sau hội nghị này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa…