Sáng nay, 8-6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37).
Thu nhập bình quân đầu người còn thấp
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, vùng trung du và miền núi Bắc bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37 sáng nay. Ảnh: BKTTW
Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, khu vực này đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37 và Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.
"Mục tiêu Nghị quyết 37 đặt ra là đẩy nhịp độ phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng; hoàn thành định canh, định cư và đưa dân trở lại biên giới...” - ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Đến năm 2020, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37, kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đơn cử như quy mô nền kinh tế được mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hệ thống đô thị vùng và đô thị trung tâm cấp vùng được hình thành; chính trị ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước...
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: "Đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số về văn hoá, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Quy mô kinh tế vùng nhỏ. Cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chuyển dịch chậm; phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. ...".
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BKTTW
Gỡ nút thắt để phát triển
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, việc chỉ ra những hạn chế, yếu kém để phân tích vì xác định vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của vùng trung du miền núi Bắc bộ đối với cả nước, từ đó tháo gỡ những nút thắt để định hướng phát triển cho vùng trong thời gian tới.
Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung. Đại diện các địa phương như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn đề xuất cần xác định rõ thế mạnh của từng địa phương để đề xuất xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể vùng.
Bên cạnh đó, ý kiến của một số địa phương đề nghị chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh liên kết vùng...
Đại diện nhiều Bộ, ngành thì cho rằng cần xác định bối cảnh tình hình mới, nhận diện các xu hướng mới để có định hướng phát triển phù hợp cho vùng thời gian tới.
Trong đó, cần tập trung đánh giá đầy đủ thực tế bức tranh phát triển của vùng thời gian qua, xây dựng các mô hình phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cho vùng, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.