Khu kinh tế Vân Phong không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Vân Phong phải hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, nơi có sự gắn kết chặt chẽ, có tác động thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau phát triển giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp thủy hải sản, dịch vụ…
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc của đoàn công tác Trung ương với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa về định hướng phát triển khu kinh tế Vân Phong chiều 11-5.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác Trung ương thị sát khu kinh tế Van Phong. Ảnh: THÁI BÌNH
Theo ông Trần Tuấn Anh, đây là nội dung quan trọng trong thực hiện kết luận số 53-KL/TW ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. “Phải có những quyết sách, đường hướng, chủ trương mang tính chiến lược và dài hạn, tầm nhìn rộng cho Vân Phong, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, biến nơi này thực sự là động lực cho kinh tế Khánh Hòa” - ông Trần Tuấn Anh đặt vấn đề.
Trưởng ban kinh tế Trung ương yêu cầu tỉnh Khánh Hòa sớm xây dựng hoàn thiện đề án phát triển khu kinh tế Vân Phong, trong đó đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Tỉnh cần phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, đề xuất các cơ chế đặc thù, chính sách mới cho khu kinh tế Vân Phong, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có quy mô lớn đến đầu tư lâu dài tại đây.
Ông Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: XN
Ông Trần Tuấn Anh cho hay Ban Kinh tế Trung ương, các bộ ngành sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ, hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa xác định mô hình khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế ven biển, khu thương mại tự do… Điều này sẽ đưa vào tổng kết kết luận 53 của Bộ Chính trị cũng như đề xuất, tham mưu Bộ Chính trị ban hành kết luận mới về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu bổ sung phát triển trung tâm logistics các hub kết nối giao thương, phát triển dịch vụ thương mại như kho bãi, dịch vụ cảng biển… để tận dụng vị trí địa lý thuận lợi, kết hợp phát triển thúc đẩy cảng trung chuyển. Ông Anh cũng yêu cầu tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối các đường bộ, đường hàng không, đường biển.
Ông Trần Tuấn Anh kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: XN
Để đảm bảo vận hành có hiệu quả khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, thực hiện mô hình quản lý cho Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong vận hành hiệu quả, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư được nhanh gọn, thực hiện cơ chế một cửa, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại khu kinh tế.
Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương nói ông ủng hộ việc Khánh Hòa đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án nhà máy điện khí, kho cảng đầu mối LNG có quy mô lớn tại khu vực phía nam khu kinh tế Vân Phong nhằm tạo động lực phát triển cho khu kinh tế Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung…
Đang lập quy hoạch điều chỉnh khu kinh tế Vân Phong Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay theo quy hoạch cũ, khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000 ha, gồm 70.000 ha đất, 80.000 ha mặt biển. Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Tỉnh Khánh Hòa đã nhận tài trợ và hợp đồng các tổ chức tư vấn nước ngoài để lập điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong. Trong điều chỉnh quy hoạch mới, Bắc Vân Phong sẽ thành một trong những khu kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá và Nam Vân Phong thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết hướng phát triển của Vân Phong có định hướng năm nhóm ngành nghề gồm du lịch cao cấp theo hướng có casino ở khu phi thuế quan; công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ nuôi biển tiên tiến, hậu cần cảng biển, logistic và đóng tàu theo hướng công nghiệp. Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, tỉnh xác định phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh và phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển,... của khu vực và cả nước. |