Phú Yên cũng như nhiều địa phương gặp khó khăn khi thu hút nhà đầu tư các dự án vì vướng mắc vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Các chuyên gia, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp nhắm tháo gỡ vướng mắc trên tại hội thảo "Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư" do UBND tỉnh Phú Yên cùng báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 18-12.
Vướng chuyển đổi đất rừng
Đánh giá tiềm năng đầu tư vào Phú Yên, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, khẳng định Phú Yên là địa phương có tiềm năng vô cùng lớn, được các nhà đầu tư quan tâm. Vì Phú Yên có 190 km đường bờ biển dài và đẹp, đây là tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, Phú Yên có diện tích rừng chiếm tới 50% nên vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cũng rất đáng quan tâm, doanh nghiệp rất cần được hướng dẫn.
Ông Dũng cho rằng quá trình giải quyết dự án có liên quan đến đất rừng nếu thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ sẽ phải qua rất nhiều bộ, ban ngành. Nên chăng tập trung vào Bộ Tài nguyên và Môi trường theo cơ chế một cửa tham mưu Thủ tướng.
“Trường hợp nếu thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh thì xem xét khả năng đề nghị giao cho thường trực HĐND để giải quyết nhanh cho doanh nghiệp bởi hiện nay một năm HĐND chỉ họp hai kỳ. Nếu đợi kỳ họp diễn ra mới quyết định thì sẽ chậm trễ tiến độ cho doanh nghiệp”, ông Dũng đề xuất gỡ vướng.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng các dự án có liên quan đến đất rừng nên tập trung vào Bộ TN&MT theo cơ chế một cửa tham mưu Thủ tướng.
Ông Hoàng Ngọc Quy ,Tổng giám đốc Tập Đoàn HBRE, cũng cho biết tập đoàn là nhà đầu tư thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ (giai đoạn 1). Dự án có công suất 200MW với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Có thể nói đây là dự án điện gió lớn nhất của tỉnh Phú Yên.
Thế nhưng, ông Quy cho hay việc đầu tư dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhất là các vướng mắc phát sinh từ quy định chưa rõ ràng liên quan đến đất đai, đầu tư, lâm nghiệp…
Cần Nghị quyết từng năm cho đất rừng
TS Phạm Văn Võ, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại Học Luật TP.HCM, cho rằng nếu giao đất rừng chuyển mục đích sử dụng đất thẩm quyền thuộc về UBND tỉnh thì để UBND ra quyết định với điều kiện phải được chấp thuận của Thủ tướng, HĐND và có chấp thuận chủ trương chuyển mục đích. Nếu không đáp ứng hai điều kiện trên thì không thể làm được.
Về điều kiện thứ nhất, ông Võ cho rằng có quy hoạch, có chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng rừng, có số lượng, xác định rõ về quy hoạch… Vì vậy, cần xem xét có văn bản chấp thuận của Chính phủ để chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
Với điều kiện thứ hai, ông Võ cho rằng không nên thiên về hướng cực đoan mà nên kết hợp hài hòa. Rừng có nhiều loại như rừng phòng hộ, rừng ven biển, đầu nguồn. Trong đó rừng phòng hộ ven biển đa số là rừng trồng giá trị sinh thái không cao, kể cả khi có làm dự án thì nhà đầu tư cũng trồng lại rừng này. Khi trồng rừng thay thế thì cũng đảm bảo diện tích rừng phòng hộ.
TS Phạm Văn Võ, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại Học Luật TP.HCM đề xuất HĐND nên có nghị quyết chung cho từng năm một chứ không chỉ cho một dự án cụ thể.
“Một năm có cả trăm dự án ở Phú Yên. Chúng ta cũng không thể họp HĐND chỉ để thông qua dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nên có nghị quyết chung cho từng năm một chứ không chỉ cho một dự án cụ thể”, ông Võ góp ý.
Từ đầu cầu Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sư – kinh tế, Bộ Tư Pháp, đồng tình vướng mắc rất lớn hiện nay do Luật đất đai. Có thể thấy mối quan hệ đất đai là giữa nhà nước với người sử dụng đất nên rất nhiều khúc mắc cần giải quyết.
“Về thẩm quyền UBND tỉnh trong chuyển mục đích sử dụng đất rừng chúng ta cần sửa đổi thống nhất quy trình, rà soát có thể bỏ việc này trong Luật đầu tư và có thể đưa vào luật chuyên ngành” – ông Tú góp ý.
Xem xét chuyển đổi cho dự án đã phù hợp với quy hoạch
Đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất rừng, theo Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thì phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đây là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án. Tuy nhiên, luật này không quy định, quyết định chủ trương trên làm trước hay là sau việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn cũng không quy định riêng về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng. Tổng cục Lâm Nghiệp cũng không có hướng dẫn chủ trương đầu tư và chủ trương sử dụng rừng cái nào có trước, cái nào có sau. Vì vậy, các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tỉnh đều trả lời chưa đủ điều kiện để chấp thuận chủ trương.
Các quy định pháp luật cần phải sửa đổi rõ ràng, thủ tục đó có cần thiết hay không. Như trường hợp, dự án đã phù hợp với quy hoạch thì nên chăng xem lại quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này nằm chung quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn để tạo điều kiện doanh nghiệp.
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên |
(PLO)- UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành có liên quan giải quyết kiến nghị của tỉnh, nhưng vẫn vướng vì Luật chưa đồng bộ.