Đánh thức các dự án ở Phú Yên - Bài 2

Khó trăm bề khi chuyển đất rừng làm dự án ở Phú Yên

Dự án có liên quan đến đất rừng thì phải có chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, sau đó mới được phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án. Quy định là vậy nhưng thực tế triển khai, giữa các luật Lâm nghiệp, Đầu tư và Đất đai chưa đồng bộ khiến dự án bị chậm trễ. Tình trạng đó đang diễn ra phổ biến ở Phú Yên, nơi rừng chiếm hơn 50% diện tích toàn tỉnh này.

Dự án của Công ty TNHH Nghỉ dưỡng quốc tế Vịnh Hòa Emerald Bay tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vẫn chỉ là khu đất trống vì bốn năm chưa xong thủ tục. Ảnh: VŨ CƯỜNG

Bốn năm chưa xong thủ tục

Bắt đầu triển khai thủ tục đầu tư dự án từ năm 2017 (trước khi Luật Lâm nghiệp ra đời), đến nay đã bốn năm nhưng dự án Vịnh Hòa Emerald Bay resort của Công ty TNHH Nghỉ dưỡng quốc tế Vịnh Hòa Emerald Bay tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vẫn chưa xong hồ sơ pháp lý.

Theo hồ sơ, năm 2017, dự án đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô hơn 71,6 ha, trong đó có 38 ha là diện tích đất rừng phòng hộ. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.854 tỉ đồng với 362 căn biệt thự biển, nhà hàng, trung tâm hội nghị cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm. Theo Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, nhà đầu tư đã hoàn tất các thủ tục ký quỹ đầu tư với số tiền hơn 23,6 tỉ đồng, đo đạc bản đồ, khảo sát địa chất, thủy văn. Doanh nghiệp (DN) cũng đã được cấp giấy phép quy hoạch, duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Công ty Nghỉ dưỡng quốc tế Vịnh Hòa Emerald Bay cũng đã nộp hơn 2 tỉ đồng tiền trồng rừng thay thế và thương lượng bồi thường được gần 68 ha trên tổng diện tích dự án. Đồng thời, DN này cũng đã tiến hành xong các bước thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công. Theo hồ sơ từ Sở KH&ĐT thì tổng số vốn chủ đầu tư đã giải ngân khoảng 160 tỉ đồng.

Khi Luật Lâm nghiệp 2017 ra đời, tại Nghị định 156/2018 (hướng dẫn thi hành luật này) quy định đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung bắt buộc trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Trong dự án nêu trên có 38 ha đất rừng, theo Luật Lâm nghiệp 2017 thì thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ từ 20 ha đến dưới 50 ha là của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, từ tháng 3-2019 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên có nhiều công văn, tờ trình báo cáo Chính phủ cùng các bộ NN&PTNT, TN&MT liên quan đến việc chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan cũng có các văn bản giải quyết các kiến nghị của tỉnh Phú Yên.

Đến tháng 10-2020, Thủ tướng đã chấp thuận đề nghị của tỉnh Phú Yên về việc chuyển mục đích 38 ha rừng phòng hộ sang mục đích phi nông nghiệp của dự án. Đồng thời giao tỉnh Phú Yên kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án cùng các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Phú Yên đã tiến hành rà soát toàn bộ dự án cùng các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, trong Văn bản 1326/2020 của Thủ tướng thì chỉ chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án nhưng chưa đề cập đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Vì vậy, dự án vẫn chưa đủ hồ sơ pháp lý để triển khai.

Tỉnh gặp khó vì luật vênh nhau

Đối với dự án có sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền của trung ương thì hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định chủ trương chuyển mục đích rừng được làm đồng thời như trường hợp trên đây và thực tế kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ của DN. Trong khi các dự án có sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh (dưới 20 ha) hiện nay ở Phú Yên cũng đang vướng quy định pháp luật khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư bị chậm trễ, thậm chí ách tắc.

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất rừng, theo Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thì phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án. Tuy nhiên, luật này không quy định, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trước hay là sau việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Trong khi đó, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thì không quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng mà chỉ quy định chung về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh.

Theo ông Tiến, giữa hai luật Lâm nghiệp và Đầu tư chưa có sự thống nhất, vì vậy tỉnh cũng đã có văn bản hỏi Tổng cục Lâm nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT nhưng cơ quan này không nêu rõ là trước hay sau mà chỉ nhắc lại với tinh thần trước hay sau đều phù hợp. “Việc chưa có quy định nhất quán thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trước hay sau thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác gây khó khăn trong quá trình tham mưu, đề xuất, chỉ đạo điều hành của tỉnh” - ông Tiến nói.

Để không làm ách tắc dự án của DN, ông Tiến cho biết tỉnh phải xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trước, sau đó DN liên hệ Sở NN&PTNT để giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.

Trong quá trình phối hợp với ngành lâm nghiệp giải quyết hồ sơ giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cũng như chuyển mục đích sử dụng đất, Sở TN&MT cho rằng do giữa Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Đất đai cũng có những nội dung chưa thống nhất.•

 

Chưa thể có quy chế  phối hợp

Vướng mắc trong thành phần hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chuyển mục đích sử dụng đất là: Luật Lâm nghiệp thì quy định thành phần hồ sơ phải có văn bản thẩm định báo cáo đề xuất dự án đầu tư của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT lại không quy định phải có văn bản này.

Do giữa các luật hiện nay chưa thống nhất trình tự, thủ tục, hồ sơ nên giữa hai ngành lâm nghiệp và TN&MT chưa thể ban hành quy chế phối hợp thống nhất giữa hai ngành mà phải chờ sửa Luật Đất đai cho thống nhất.

ÔngĐẶNG NGỌC ANH, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên

Chậm hồ sơ vì phải chờ HĐND họp quyết

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, Luật Đầu tư chỉ cho 35 ngày để giải quyết hồ sơ đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng kể từ ngày nhận hồ sơ. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định cho chủ trương này là do HĐND tỉnh họp và thông qua. Vì vậy, khi xem xét hồ sơ của DN, dù đủ điều kiện cũng phải chờ đến kỳ họp HĐND tỉnh thông qua thì mới quyết được. Mỗi năm HĐND tỉnh chỉ họp hai lần nên hồ sơ của DN cũng phải chờ. Tỉnh Phú Yên kiến nghị HĐND tỉnh ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh có thể tổ chức họp để quyết việc này thay vì phải chờ đến kỳ họp chính thức để không ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án của DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm