Tạt chất bẩn vào cô dâu, chú rể ở Hà Tĩnh: Rất khó để không bị trách nhiệm gì!

(PLO)- Theo luật sư, người nào đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá... vào người khác thì có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.

Ngày 4-10, cộng đồng mạng xã hội xôn xao clip quay cảnh cô dâu, chú rể bị tạt chất bẩn ngay cổng hôn trường.

Xác minh ban đầu cho biết clip trên quay lại sự việc xảy ra tại một đám cưới ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Một số thông tin cho rằng việc này có thể do người yêu cũ của chú rể gây ra.

Theo lãnh đạo UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, trưa 4-10, tại xã Lưu Vĩnh Sơn có đám cưới. Cô dâu, chú rể trong clip là anh DVH và chị DYT. Người tạt chất bẩn là chị BTT. Hiện chị T đã nhập viện cấp cứu, chữa trị vết thương. Công an đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

tat-chat-ban-vao-co-dau.jpg
Cô dâu và chú rể bị tạt chất bẩn vào người ngay tại lễ cưới. Ảnh cắt từ clip

Liên quan đến trách nhiệm pháp lý của người ném chất bẩn vào người trong đoạn clip này, trao đổi với PLO, Luật sư Đỗ Thanh Trung (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hành vi tạt chất bẩn lên người khác trước tiên sẽ đối diện với chế tài phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021.

Cụ thể, người nào đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá... vào người, nhà ở, nơi ở, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh... thì bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.

Theo quy định tại Điều 68 Nghị định 144/2021 thì trong trường hợp này, chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người tạt chất bẩn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt nhẹ nhất của tội này là bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Hoặc người tạt chất bẩn cũng có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS. Khung hình phạt nhẹ nhất của tội này là phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Tuy nhiên, cũng theo LS Trung, hiện còn quá sớm để khẳng định người tạt chất bẩn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không vì sự việc mới diễn ra, cơ quan chức năng đang làm việc, đang lấy lời khai của những người liên quan nên chưa thể biết người tạt chất bẩn nhằm mục đích gì, động cơ, mục đích tạt chất bẩn là gì; chưa đánh giá được mức độ thiệt hại, mức độ hậu quả do hành vi tạt chất bẩn gây ra.

Cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xác định nguồn phát tán đoạn clip trên mạng là ai, có xuất phát từ chính người đã thực hiện hành vi tạt chất bẩn hay không vì tình tiết sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội là tình tiết định khung hình phạt của tội làm nhục người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm