Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Nguyễn Tuấn Khanh ở thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng bị kết tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi. Mức án mà tòa phúc thẩm vừa tuyên phạt Khanh là 18 tháng tù giam - đã giảm một nửa so với án sơ thẩm.
Bị hại trong vụ án chính là cô gái đã được cha mẹ tổ chức hôn lễ rồi chung sống một thời gian với Khanh.
Biết con gái chưa đủ tuổi kết hôn vẫn tổ chức đám cưới
Tháng 11-2020, Khanh gặp TTNT khi T cùng mẹ đến nhà Khanh thu tiền hụi. Cả hai có tình cảm với nhau từ đó. Hôn nhân đại sự đã có cha mẹ lo nên tháng 3-2021, T lên xe hoa về nhà Khanh, cùng nhau sống đời vợ chồng.
Quyền và trách nhiệm của gia đình bị hại
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, ngoài việc cần có sự can thiệp kịp thời từ phía cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức xã hội thì gia đình là yếu tố đầu tiên tác động để đảm bảo quyền lợi cho bị hại.
Tuy nhiên, quyền luôn đi kèm trách nhiệm. Cha mẹ bị hại có quyền tố cáo người khác xâm hại con mình. Song song đó, họ cũng phải có trách nhiệm phòng ngừa, giáo dục và định hướng cho con; chịu trách nhiệm khi con chưa đủ tuổi đã tổ chức cho con lấy chồng.
LS HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM
Cuối tháng 6-2021, hai bên phát sinh mâu thuẫn nên T về nhà cha mẹ.
Ngày 22-7-2022, mẹ của T tố cáo Khanh có hành vi quan hệ tình dục với T khi T chưa đủ 16 tuổi.
Theo Khanh, Khanh hoàn toàn không biết T chưa đủ 16 tuổi khi tổ chức lễ cưới. Khi Khanh hỏi T bao nhiêu tuổi thì mẹ T nói: “Sang năm 2021 là đủ 18 tuổi”. Tuy nhiên, sau này mới phát hiện giấy khai sinh của T ghi T sinh ngày 17-7-2005.
Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng chưa điều tra đối với hành vi của cha mẹ của T. Rõ ràng việc tổ chức lễ cưới cho con gái mình khi biết con chưa đủ tuổi kết hôn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, tổ chức tảo hôn là việc tổ chức cho những người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình lấy vợ, lấy chồng. Người tổ chức tảo hôn biết rõ hoặc có căn cứ để biết rõ là cả hai người hoặc một trong hai người mà mình tổ chức lễ cưới chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định…
Hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Ảnh hôn lễ của Khanh và T. Ảnh: NCCC |
Dấu hiệu đồng phạm giản đơn của tội giao cấu
Theo khoản 1 Điều 58 Nghị định 82/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình… thì cha mẹ của T có thể bị phạt tiền 1-3 triệu đồng về hành vi tổ chức tảo hôn.
Ngoài ra, hành vi tổ chức tảo hôn còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 183 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt là phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, đối với hành vi là tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Tuy nhiên, cha mẹ của T chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn nên không thể xử lý về tội theo Điều 183 BLHS được.
Mặt khác, về mặt ý thức chủ quan, cha mẹ của T nhận thức rõ nếu hai bên đã làm lễ cưới thì giữa T và Khanh sẽ có phát sinh quan hệ tình dục, đồng nghĩa với việc có hành vi vi phạm pháp luật về hình sự sẽ xảy ra nhưng vẫn tạo mọi điều kiện cho Khanh thực hiện hành vi phạm tội.
Việc tạo điều kiện cho một cá nhân phạm tội của cha mẹ T đã có dấu hiệu của đồng phạm giản đơn xảy ra theo Điều 17 BLHS. Cụ thể, cha mẹ của T có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi với vai trò đồng phạm là người giúp sức cho Khanh phạm tội.
Muốn xử phạt phải lập biên bản vi phạm hành chính
Cha mẹ khi biết rõ con chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn tổ chức đám cưới, để con lấy vợ, lấy chồng là có hành vi tổ chức tảo hôn. Cha mẹ của T biết rõ con gái mình chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định nhưng vẫn tổ chức cho con lấy chồng.
Để có thể xử phạt hành chính đúng quy định thì ngay khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì tối đa là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM