Người em họ của tôi phụ trách việc lên danh sách rồi đi thu tiền của các hộ. Vài người trong xóm hoàn cảnh còn khó khăn nhưng vì đó là thông lệ của xóm nên cũng gắng gượng nhín chút tiền để đóng góp.
Bữa tiệc cuối năm thường được tổ chức ngoài đầu con hẻm của xóm, bắt đầu từ chiều đến tận tối khuya, hàng chục két bia và hàng chục chai rượu đế được mọi người trong xóm thoải mái uống. Có năm, để thêm phần xôm tụ, xóm còn thuê luôn một dàn nhạc sống phục vụ đám cưới để tổ chức hát hò. Tiếng đàn đinh tai nhức óc của ban nhạc, tiếng hò hét, tiếng gào thét của một số thanh niên say xỉn đến tận tối khuya khiến người nghe hết sức ngán ngẩm. Thậm chí có năm bữa tiệc “tanh bành” vì một số thanh niên quá khích uống say rồi gây chuyện, lôi chuyện năm cũ ra để cãi vã, suýt đánh nhau.
Có người trong xóm góp ý rằng không nên tổ chức tiệc tất niên quá rình rang vì tốn kém, hãy làm gọn, coi như bữa gặp gỡ, họp mặt cuối năm của xóm. Nhưng lại có người so sánh rồi bảo nhiều xóm trong xã tổ chức được mà mình không làm được như họ thì coi không được, rằng “tiệc xóm mình phải ngon lành hơn mấy xóm kia”, vì vậy dù khó khăn cũng phải tổ chức cho hoành tráng. Tuy đã được chiếu cố giảm mức đóng thì những hộ nghèo vẫn phải nhín tiền để đóng góp trong khi năm, bảy chục hay trăm ngàn đối với họ có thể mua ít gạo, chai dầu ăn để cái Tết đỡ thiếu hụt.
Một bữa họp mặt tiễn năm cũ trong không khí chia sẻ, gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, mọi người có dịp giao lưu, hỏi thăm và động viên nhau trong suốt một năm tất bật làm ăn đã bị thay thế bằng bữa tiệc tốn kém có màu sĩ diện, hơn thua và nhậu lầy, còn gì hay ho nữa mà gọi là thông lệ, là văn hóa của xóm?