Tàu đêm năm cũ: Đã có phép lại bị thu hồi

Hơn 10 ngày sau khi phát hành, ca khúc Tàu đêm năm cũ trong album bolero Tàu đêm năm cũ của ca sĩ Vi Thảo đã bị thu hồi dù đã xin̉ giấy phép theo quy định.

Không có lỗi lại bị thiệt hại

Về quy trình xin cấp phép album Tàu đêm năm cũ, Bến Thành Audio đã xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho Vi Thảo thể hiện năm ca khúc chưa được phổ biến. Sau khoảng một năm xem xét, ngày 29-11-2011, Cục đã có văn bản đồng ý cho phép ba ca khúc gồm: Tàu đêm năm cũ (Trúc Phư?ng),?ơng), Hoa nở về đêm (Trần Thiện Thanh) và Nếu hai đứa mình (Anh Bằng - Lê Dinh). Sau khi được Cục cho phép, Bến Thành Audio đã chuyển danh sách ba ca khúc trên và sáu ca khúc khác để xin phép Nhà xuất bản Âm nhạc sản xuất và phát hành. Với trình tự đó, ca sĩ Vi Thảo lẫn các đơn vị liên kết phát hành album đều đã tuân thủ đúng các quy định, giấy phép hiện hành.

Thế nhưng ngày 26-6, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản gửi đến các bên liên quan về việc thu hồi quyết định đã cấp phép đối với ca khúc Tàu đêm năm cũ. Thực tế, việc thu hồi ca khúc này chẳng khác gì thu hồi toàn bộ album.

Tàu đêm năm cũ: Đã có phép lại bị thu hồi ảnh 1

Album Tàu đêm năm cũ có giấy phép vẫn bị thu hồi. Ảnh: PHƯƠNG NAM PHIM

Cho đến chiều hôm qua (28-6), nhiều trang mạng nghe nhạc trực tuyến đã gỡ bỏ toàn bộ album. Nhà sản xuất lẫn ca sĩ phải thu hồi, hủy bỏ toàn bộ các đĩa nhạc đã sản xuất với chi phí sản xuất trên dưới 100 triệu đồng. Về thủ tục, việc thay hoặc bỏ ca khúc Tàu đêm năm cũ để làm lại album mới cũng đồng nghĩa làm lại trình tự giấy phép mới mất không ít thời gian công sức.

Cho cấm còn bất nhất

Theo quy định hiện nay, việc biểu diễn, phát hành các tác phẩm âm nhạc trước 1975 và hải ngoại phải làm thủ tục xin phép Cục hoặc Sở từng bài hát một và việc cho, cấm vẫn còn bất nhất. Đơn cử gần đây, trong liveshow Riêng một góc trời (Hà Nội, tháng 1-2012), Sở VH-TT&DL TP Hà Nội không cho Tuấn Ngọc hát ca khúc Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Nhưng cuối tháng 12-2011, ca khúc này đã có mặt trong album Hà Nội nơi có tình yêu tôi của ca sĩ Xuân Hảo.

Lâu nay không ít lần các nhà sản xuất, đơn vị tổ chức biểu diễn, nghệ sĩ lẫn những nhà quản lý đã đề xuất danh mục tác phẩm âm nhạc trước 1975 và hải ngoại được phép phổ biến để các ca sĩ, cơ quan tổ chức biểu diễn và sản xuất sản phẩm âm nhạc có cơ sở tham khảo cũng để minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép. Cục nhiều lần hứa hẹn sẽ công bố danh sách này nhưng vẫn chưa thực hiện. Trong những năm gần đây, mỗi năm có từ 100 đến 200 ca khúc loại này được cấp phép phổ biến, cho đến thời điểm hiện tại số lượng ca khúc được phổ biến đã lên trên 1.000 ca khúc nhưng ngày 11-1-2012 Cục mới công bố danh mục 319 ca khúc trước năm 1975 được phép phổ biến.

Vấn đề đặt ra là cần minh bạch, công khai danh sách này và có sự nhất quán trong việc cấp phép biểu diễn sản xuất để tránh thiệt hại, phiền hà cho nghệ sĩ, nhà sản xuất và công chúng yêu ca nhạc.

Khi xin phép đã nộp bản ghi âm và lời nhạc

Khi xin phép biểu diễn ca khúc Tàu đêm năm cũ và bốn ca khúc chưa được phép, ngoài đơn xin tôi đã gửi bản thu demo ca khúc và phần lời cả năm ca khúc đó. Sau gần một năm chúng tôi mới nhận được văn bản đồng ý của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tôi tiếp tục gửi hồ sơ gồm chín ca khúc và lời sang Nhà xuất bản Âm nhạc (Dihavina) để họ xin giấy phép phát hành. Tôi đã thu âm ca khúc Tàu đêm năm cho album với phần lời đúng như văn bản gửi xin cấp phép ca khúc ở Cục lẫn hồ sơ xin giấy phép phát hành. Tôi luôn quan niệm phải làm đúng, cho phép mới làm chứ không làm sai.

Ca sĩ VI THẢO

Nếu Cục cấp phép sai, Cục sẽ phải chịu trách nhiệm

Tôi sẽ xem xét hồ sơ xin cấp phép của Bến Thành Audio để so sánh với bản phát hành có giống nhau không. Bởi không ít lần nhiều đơn vị gửi đến xin phép và sửa lời tác phẩm. Nếu Cục cấp phép sai như báo nói thì Cục sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ông PHẠM ĐÌNH THẮNG,Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn -
Bộ VH-TT&DL

Bất nhất trong cấp phép gây thiệt hại

Tình trạng Cục, Sở đã cấp phép, sản phẩm phát hành rồi lại thu hồi sẽ ảnh hưởng rất nhiều mặt. Người sản xuất sẽ thiệt hại về tiền bạc, chi phí công sức… Hơn thế nữa là việc mất lòng tin giữa nhà sản xuất, ca sĩ với đơn vị cấp phép.

Nếu không thống nhất trong cấp phép thì nhà sản xuất, ca sĩ dù được Cục cho phép phổ biến ca khúc vẫn chưa biết đã an toàn hay chưa. Nó sẽ gây sự hoang mang trong giới ca sĩ, nhà sản xuất, lẫn khán giả.

Và tôi cho rằng việc thu hồi chỉ mang tính hình thức. Bởi thu hồi chỉ là thu hồi một số album trên kệ chưa bán, còn khán giả đã mua thì làm sao thu hồi. Chưa kể đến việc các trang mạng nghe nhạc trực tuyến và đĩa lậu cứ phát hành, làm sao thu hồi.

TRƯƠNG THỊ THU DUNG, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội  Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm