Cuối cùng thì số phận 629 người tị nạn trên tàu Aquarius đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải cũng đã được quyết, sau khi Tây Ban Nha lên tiếng nhận họ, chấm dứt quá trình đùn qua đẩy lại giữa các nước châu Âu.
Ủy ban tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Tây Ban Nha xác nhận tàu Aquarius sẽ đến TP Valencia của Tây Ban Nha vào tối 16-6 nếu thời tiết tốt. Có 11 trẻ em và 7 phụ nữ mang thai trên tàu Aquarius. Hội Chữ Thập đỏ quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án hỗ trợ người tị nạn về tâm lý, y tế, thực phẩm một khi tàu đến Valencia.
629 người tị nạn này được tổ chức phi lợi nhuận SOS Địa Trung Hải (Pháp) cứu hộ từ những còn thuyền nhỏ trên vùng biển ngoài bờ biển Libya và đưa lên tàu Aquarius từ ngày 8-6. Theo Ủy ban tị nạn Liên Hiệp Quốc, phần lớn người tị nạn trên tàu là người Morocco và Algeria.
Tàu Aquarius trên biển Địa Trung Hải ngày 12-6. Ảnh: AP
Người tị nạn và tàu Aquarius phải lênh đênh không định hướng giữa Địa Trung Hải 30 tiếng, chờ Ý và Malta thỏa thuận nước nào sẽ nhận họ. Nhưng rồi cả Ý và Malta đùn đẩy không muốn nhận 629 người tị nạn này.
Ngày 9-6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini – có chủ trương cứng rắn với nhập cư - không cho tàu Aquarius cập cảng Sicily, nói rằng Ý đã nhận đủ người tị nạn rồi – 640.000 người trong 5 năm qua. Malta cũng nói không.
Và rồi Tây Ban Nha ra tay nghĩa hiệp. Tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez ngày 11-6 lên tiếng rằng nước này có bổn phận phải ngăn chặn “một thảm kịch nhân đạo”, rằng tàu sẽ được chào đón tại cảng Valencia.
Nói với ABC News, đại diện Ủy ban vì người tị nạn Tây Ban Nha cho biết: “Nghĩa vụ của chúng tôi là nhận những người tị nạn này. Chúng tôi hy vọng họ sẽ đến nơi an toàn – khi tàu quá đông lại trải qua một hành trình mệt mỏi”.
Trong khi đó tân Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borell nói điều Tây Ban Nha làm mang tính biểu tượng, nhằm hạn chế sự nghi ngờ về năng lực của châu Âu khi giải quyết vấn đề nhập cư, tị nạn.
Thời điểm Tây Ban Nha lên tiếng nhận, tàu Aquarius cách nước này 1.500km.
Ngày 12-6, tổ chức phi lợi nhuận SOS Địa Trung Hải lo ngại những người trên tàu vốn đã rất mệt mỏi sẽ không chịu nổi khi ít nhất phải đến 4 ngày nữa mới đến được Tây Ban Nha. Thậm chí tổ chức này lo tàu có thể sẽ không đến được Tây Ban Nha an toàn vì thời tiết không tốt.
Người tị nạn nằm chen chúc trên tàu Aquarius lênh đênh trên biển Địa Trung Hải ngày 14-6. Ảnh: AP
Lúc đó, chính quyền tỉnh Corsica của Pháp lên tiếng đề nghị được nhận những người tị nạn trên tàu. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte lập tức chỉ trích mạnh rằng Pháp đạo đức giả.
“Phát biểu của Pháp về chuyện tàu Aquarius đáng ngạc nhiên và cho thấy sự thiếu hiểu biết về điều đang thực sự diễn ra. Ý không thể chấp nhận bài học đạo đức giả từ những nước luôn thích quay lưng với chuyện người nhập cư” – văn phòng ông Conte lên tiếng.
Sở dĩ ông Conte nặng lời thế vì trước đó Pháp cáo buộc Ý vô trách nhiệm khi từ chối nhận người tị nạn trên tàu Aquarius. Cũng vì chuyện này mà quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Ý triệu tập đại sứ Pháp Christian Masset. Theo Ngoại trưởng Ý Enzo Moavero Milanesi, lời lẽ của Pháp gây hại đến quan hệ hai bên. Bộ trưởng Tài chính Ý Giovanni Tria tuyên bố hủy thăm Pháp, sau đó nhờ sự thuyết phục của người đồng cấp Pháp Bruno Le Maine mà ông Tria quyết định lại từ hủy sang hoãn. Phó Thủ tướng Salvini muốn Pháp phải xin lỗi trước khi có bất kỳ chuyến thăm qua lại nào.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini muốn Pháp phải xin lỗi. Ảnh: AFP
Trong ngày 12-6, chính phủ Ý lên tiếng khen ngợi Tây Ban Nha và chỉ trích Pháp.
“Chính phủ Ý không hề bỏ mặc gần 700 con người trên tàu Aquarius. Sau khi Malta từ chối, chúng tôi thấy được hành động đoàn kết chưa có tiền lệ từ Tây Ban Nha. Điều này không thể thấy ở Pháp, vốn có chính sách nhập cư cứng rắn, tàn nhẫn”.
Đáp trả những lời vuốt ve của Ý, Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Dolores Delgado nói Ý có khả năng vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Trong khi đó thủ hiến vùng Valencia của Tây Ban Nha nói “biến chuyện tàu Aquarius thành một vũ khí chính trị là hèn hạ… rõ ràng châu Âu phải hành động thông minh hơn, chúng tôi không thể để những con người này chết giữa biển”.
Ít nhất có thành viên Liên minh châu Âu –Hungary và Slovakia- hoan nghênh quyết định của Ý với tàu Aquarius, rằng thái độ này sẽ giúp thay đổi chính sách nhập cư châu Âu. Hai nước này nổi tiếng rất cứng rắn với người tị nạn.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell ngày 12-6 bác bỏ ý nghĩ rằng quyết định của Tây Ban Nha sẽ khiến nhiều người Trung Đông và Bắc Phi liều lĩnh băng Địa Trung Hải tìm đến châu Âu hơn. Theo ông, không cần quyết định này của Tây Ban Nha thì vị trí địa lý và sức hấp dẫn về kinh tế cũng đã khiến châu Âu có sức hút nam châm với các nước.