Temu, Shein, 1688... vẫn 'vô tư' bán hàng ở Việt Nam

(PLO)- Dù được yêu cầu phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... vẫn hoạt động bình thường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù chưa hoàn tất đăng ký và chưa nộp đồng thuế nào, thậm chí bị yêu cầu tạm dừng hoạt động, các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein hay 1688... vẫn đang âm thầm cho phép người dùng Việt Nam tự do giao dịch.

Temu, Shein, 1688... vẫn vô tư bán hàng

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều ngày 9-11 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Bộ đã làm việc với đại diện pháp lý của các sàn Temu, Shein. Bộ Công Thương yêu cầu các sàn này khẩn trương đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11.

Theo ông Long, trong thời gian triển khai đăng ký, các sàn phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký. Đồng thời, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.

Trước động thái này, từ đầu tháng 11 đến nay, mỗi khi truy cập vào website hay ứng dụng của Temu trên di động, người dùng đều nhận được thông báo từ nền tảng này đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.

thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử Temu chỉ cho phép mua dưới 1 triệu đồng/đơn. ẢNH: THU HÀ

Tuy nhiên, Temu vẫn cho phép người dùng thực hiện các thao tác đặt hàng và thanh toán bình thường tại Việt Nam. Bằng chứng là khi xác nhận đặt hàng, người dùng Việt Nam vẫn bị trừ tiền qua thẻ tín dụng.

Nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới này cũng duy trì cam kết hoàn thành giao hàng trong vòng 4-6 ngày và sẵn sàng tặng người dùng 25.000 đồng vào tài khoản mua hàng trong trường hợp trễ hẹn hoặc hoàn tiền nếu trong 15 ngày không cập nhật tiến độ đơn hàng.

Thậm chí mới đây, Temu còn tung ra chính sách mới khi nâng giá trị đơn hàng tối thiểu lên 887.000 đồng và giới hạn đơn hàng ở mức 1 triệu đồng. Nếu giá trị đơn hàng vượt quá 1 triệu đồng, sàn sẽ yêu cầu người dùng chia tách thành 2 đơn hàng khác nhau với cùng điều kiện trên.

Động thái này được sàn Temu lý giải là để tiếp tục cung cấp nhiều mặt hàng với giá trị thấp, và việc bổ sung mặt hàng để đáp ứng giá trị tối thiểu nhằm giúp ngăn chặn tình trạng rác thải đóng gói quá mức.

Không chỉ Temu, Shein vẫn đang lẳng lặng hoạt động ở Việt Nam. Shein cung cấp website tiếng Việt cho người Việt Nam và liên tục tung ưu đãi cho ngày Black Friday sắp tới, với mức giảm từ 10% - 30% và miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, sàn này không thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương về việc đăng thông báo với người tiêu dùng.

Còn như 1688, từ đầu tháng 10 đến nay, sàn thương mại điện tử chuyển bán sỉ 1688.com cũng đã mở đường vận chuyển trực tiếp đến Việt Nam, thêm tùy chọn tiếng Việt và cho thanh toán bằng thẻ quốc tế. Nền tảng này còn mở các chương trình tiếp thị liên kết, quảng cáo dịch vụ nhắm đến khách hàng trong nước.

Temu, 1688, Shein, Taobao… muốn gì?

Theo dõi suốt tiến trình sự kiện, thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, giảng viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng động thái mới khi “ép” người dùng mua đơn hàng dưới 1 triệu đồng của Temu có thể nhằm tận dụng quy định của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ.

Theo đó, hiện nay, Quyết định 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT ở khâu nhập khẩu.

Dù vậy, hồi cuối tháng 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78 về việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử để chống thất thu thuế.

“Nếu xét về luật hiện tại, Temu không vi phạm khi quy định người mua phải mua đơn hàng dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh nền tảng này chưa hoàn tất đăng ký kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn thực hiện giao dịch thì cần phải xem xét và hậu xử lý sau này”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, hiện nay, dù chưa thống kê đầy đủ nhưng ước tính mỗi ngày, trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.

“Do đó, việc quyết liệt bãi bỏ Quyết định 78 về miễn thuế VAT đối với hàng dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử là rất đúng đắn, kịp thời và cần áp dụng ngay”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, cơn lốc hàng giá rẻ vào Việt Nam không chỉ mới đây mà là vấn đề nhức nhối từ năm trước. Con đường đi không phải mỗi thương mại điện tử mà còn ở phương thức truyền thống với nhiều nhóm ngành nguyên phụ liệu khác…

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ngành thời trang cũng đặt nghi vấn về việc rất có thể các nền tảng từ 1688 cho tới Temu, Shein đang quyết đẩy mạnh và xâm nhập thị trường Việt Nam quý III, quý IV là để tuồn hàng tồn kho, thậm chí hàng lỗi dịp cuối năm.

“Khi tôi thử mua hàng trên shop nước ngoài ở các sàn thương mại điện tử như Shopee và Lazada, khi hàng lỗi nhẹ, tôi thử đề nghị trả hàng thì nhà bán thậm chí tặng luôn sản phẩm lỗi nhẹ đó và gửi miễn phí một sản phẩm mới cho tôi. Họ trả lời rằng đây là chính sách chăm sóc khách hàng, nhưng với những chuyến công tác qua Trung Quốc, tôi cho rằng đó là vì hàng của họ quá nhiều, giá lại rẻ, dù cho luôn người mua cũng chẳng lỗ?”, vị này nói với PLO.

Theo đó, vị này cho rằng nếu muốn chặn hàng rẻ thì cần nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, nhất là trên thương mại điện tử.

Kiểm soát nhưng không nên cực đoan

Dù cho rằng Temu hay 1688, Taobao… đang là cơn “đau đầu” của thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng vẫn không nên cực đoan, bế quan tỏa cảng đối với thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Nếu quá cực đoan thì rất có thể họ sẽ cực đoan ngược lại đối với hàng hóa Việt Nam. Thay vào đó, cần điều tiết, tăng cường quản lý về pháp luật về thuế, hải quan, chất lượng hàng hóa để xây dựng thị trường thương mại điện tử ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp trong nước.

Rõ ràng Temu hay Shein… đang không có gì ngoài tiền nên tăng cường chạy khuyến mãi. Nếu hàng có tốt thì tất nhiên có lợi cho người dùng Việt Nam, tuy nhiên nếu giá rẻ, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng sẽ là kênh khiến Temu, Shein bị đào thải nhanh nhất ở thị trường Việt Nam”, ông Minh nói.

Ông Minh cũng đề xuất nên tính toán triển khai áp dụng thuế môi trường để ngăn chặn tình trạng rác thải từ thương mại điện tử. Dù vậy, đề xuất này được ông Minh nhấn mạnh là cần coi đây là một sự lựa chọn, đề xuất trong tương lai để “ràng buộc” các nền tảng giá rẻ thương mại điện tử xuyên biên giới và cả thương mại điện tử đang kinh doanh ở Việt Nam.

“Không chỉ các ngành thương mại điện tử mà ở các ngành nghề khác, khi phát triển thì sẽ phải đối mặt với tình trạng môi trường. Do đó, việc tính toán tới áp dụng thuế môi trường với hàng hóa nhập khẩu cũng là một phương án để giảm thiểu hàng giá rẻ, hàng kém chất lượng tràn lan. Tuy nhiên, cần áp dụng từ từ, có lộ trình để cả doanh nghiệp kịp thời chuyển đổi. Điều này quan trọng nhất là khi chúng ta hướng tới cam kết về Net Zero trong năm 2050”, ông Minh nói.

Mở rộng thêm đề xuất, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nhìn nhận ngoài thuế, phí luật định, việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại trong vấn đề chống phá giá sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng.

“Chưa kể cần tăng cường vấn đề bảo mật thông tin cho người dùng Việt Nam, trước bối cảnh hiện nay các nền tảng này chỉ cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ví điện tử…” - ông Thịnh nêu.

Hàng hóa mua từ các sàn chưa đăng ký sẽ không được thông quan

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với những tờ khai vận chuyển hàng hóa không khai thông tin về website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng.

Ngoài ra cũng sẽ không thông quan với tờ khai có khai thông tin website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử…nhưng chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công Thương.

Động thái trên của Tổng cục Hải quan diễn ra khi thời gian gần đây nhiều sàn thương mại điện tử như Temu, Shein, 1688... vẫn hoạt động dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu hải quan các địa phương tập trung thu thập thông tin, phân tích, xác định các trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hoá thành nhiều gói kiện nhỏ hoặc khai sai giá trị để phù hợp với trị giá được miễn thuế hoặc kiểm tra chuyên ngành.

“Trường hợp phát hiện có hành vi lợi dụng khai sai trị giá để trốn thuế, né chính sách kiểm tra chuyên ngành thì xử lý vi phạm theo quy định", Tổng cục Hải quan yêu cầu.

Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông (VNPT) vào tháng 3-2023, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Tức là, trung bình mỗi ngày có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ không được thu thuế nhập khẩu và VAT. Trong khi đó, hàng giá trị dưới 1 triệu bán qua các sàn online đang được miễn thuế, theo quyết định của Chính phủ từ 2010.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm