Khu thương mại tự do tiên phong sẽ giúp kinh tế Đà Nẵng bứt phá

(PLO)- Với Khu thương mại tự do, Đà Nẵng đặt mục tiêu thực hiện thành công mô hình chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, trở thành mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-11, UBND TP Đà Nẵng khai mạc diễn đàn “Khu thương mại tự do – Động lực mới phát triển ngành logistics”.

khu thương mại tự do đà nẵng
Diễn đàn “Khu thương mại tự do – Động lực mới phát triển ngành logistics” tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Mô hình tiên phong

Báo cáo của nhóm tư vấn Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, với Khu thương mại tự do, TP đặt mục tiêu thực hiện thành công mô hình chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam; trở thành mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế, góp phần thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng là trung tâm sản xuất, thương mại dịch vụ hiện đại, gắn với cảng biển Liên Chiểu, trở thành điểm nhấn trong hành lang vận tải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Nơi đây cung cấp dịch vụ logistics xanh, tối ưu chi phí và có tính cạnh tranh cao. Đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ tại Đà Nẵng và khu vực lân cận, tăng cường liên kết hàng hóa trên hành lang Đông – Tây.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường, Khu thương mại tự do được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng: Khu sản xuất, khu trung tâm logistics, khu thương mại dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của Đà Nẵng.

Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng là điều kiện thuận lợi để TP trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào TP và vùng động lực kinh tế miền Trung.

Ông Cường cho hay, TP đang khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng vào cuối năm 2024 để sớm chính thức thành lập Khu thương mại tự do, tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm theo Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội.

“Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế xã hội. TP đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại sân bay Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics – cảng cạn”, ông Cường nhấn mạnh.

khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-tran-chi-cuong.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường. Ảnh: TẤN VIỆT

4 đề xuất cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển thành một khu thương mại tự do tiên phong, tạo động lực mạnh mẽ cho ngành logistics và kinh tế khu vực.

Bà Minh đề xuất cho Đà Nẵng bốn ưu tiên để phát triển thành công Khu thương mại tự do. Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt.

Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do.

Thứ hai, Đà Nẵng cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế.

Thứ ba, phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng là một yêu cầu quan trọng. Đà Nẵng nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực.

Thứ tư, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

Đối với Đà Nẵng, các cảng biển Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song song đó, phát triển các trung tâm logistics nội địa sẽ góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-truong-thanh-hoai-bo-cong-thuong.jpg
Ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh: TẤN VIỆT

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 - 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành logistics, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Theo ông Hoài, Đà Nẵng là một trong những TP phát triển năng động và hiện đại của Việt Nam, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Đây cũng là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Khu thương mại tự do đóng góp trực tiếp vào GRDP của Đà Nẵng từ 1 - 2%, năm 2040 là 9,5% và năm 2050 là 17,9%. Số lượng lao động thu hút đến năm 2030 khoảng 21.000, năm 2040 khoảng 90.000 và năm 2050 là 127.000 lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm