Đìu hiu. Vắng lặng. Đó là khung cảnh bến xe miền Đông hôm nay. Những băng ghế không còn chật cứng người. Những ô cửa mua vé không còn tấp nập cảnh người đến hỏi thăm: giá cả, bao giờ xe tới…Nhưng niềm háo hức vì được về nhà sau một năm làm ăn vất vả thì vẫn còn đó. Họ là những vị khách cuối cùng của bến xe Miền Đông ngày 29 Tết.
Vợ chồng anh Nguyễn Đức Mỹ và Trần Thị Phương tay xách nách mang ra bến xe từ 4h chiều. Anh Mỹ lót dạ đỡ ổ bánh mì chống đói, gương mặt không dấu được sự mỏi mệt sau một ngày làm việc vất vả. Chị Phương ngồi dựa hẳn vào ghế tựa để đứa trẻ thoải mái đùa nghịch trên tay. Biết là sẽ không kịp về nhà đón giao thừa cùng bố mẹ nhưng với anh chị, chỉ về nhà mới là Tết. “Quê hai vợ chồng ở Quảng Nam, làm việc ở Tây Ninh. Mấy hôm trước chúng tôi đặt mua vé trên mạng mấy lần mà không được. Hôm nay biết là muộn nhưng vẫn ra đây bắt xe về. 6h chiều xe mới tới nhưng hai vợ chồng cứ háo hức mãi. Ông bà mong cháu lắm!”, chị cười hôn nhẹ lên má con trai vừa tròn 8 tháng tuổi.
Anh Lâm Văn Ngọc và con trai đến bến xe miền Đông từ rất sớm_Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Anh Lâm Văn Ngọc (Quảng Ngãi) ngồi kế đó không xa tranh thủ chợp mắt trong lúc đợi xe tới. Năm nay anh đưa hai con về quê ăn Tết cùng ông bà ngoại. “Tôi làm xây dựng, bà xã buôn bán. Về muộn nên có xe nào thì đi xe đó thôi. Tôi mua 3 vé nằm, hết 1 triệu 8. Tết mà, cái gì cũng đắt hơn nhưng được về quê thăm ông bà là vui rồi. Tranh thủ về lúc ông bà còn mạnh khỏe, người già chỉ mong có thế thôi”.
Tết ai chẳng muốn về
Bệnh viện Ung bướu chiều 29 Tết văng vẳng tiếng cười đùa của những đứa trẻ. Mấy hôm nay, các em có nhiều người đên mừng tuổi, có nhiều quà bánh, được ăn ngon hơn, nhưng cứ chiều tối, không ít em lại khóc đòi về nhà.
"Tết ai chẳng muốn về "_ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đã 6 năm nay chị Trần Minh Ngọc (Lâm Đồng) đón Tết ở Sài Gòn. Con gái chẳng may bị u não, chồng bỏ đi cả năm trời, chị một mình bán vé số nuôi hai con. Xa quê đã lâu, nỗi nhớ cái Tết quê nhà dường như chẳng bao giờ vơi trong chị. Nhưng thân gái một mình nuôi con, kiếm tiền chữa bệnh cho con đã khó nên ngày về với chị chỉ là mơ ước. “Những ngày này thấy người ta đi lại mua sắm tấp nập lại thấy nhớ nhà. Ở quê mình 28, 29 mới có không khí Tết nhưng vui lắm. Mọi người hò nhau làm thịt lợn, gói bánh chưng. Tối có văn nghệ, mọi người đi khắp nhà nhau chúc Tết, ăn mừng…”
Những người tưởng chừng mình đã quen với những cái Tết xa nhà như chị vậy mà vẫn nôn nao ngày Tết về đoan tụ. Chị bảo cố gắng dành dụm, năm nay nhiều người cho, chị cất riêng để năm sau đưa cháu về quê. “Tết mà ai chẳng muốn về nhà”, chị cười.
Những con phố Sài Gòn đã lên đèn rực rỡ. Chỉ còn mấy tiếng nữa thôi là đến giao thừa!