Sáng 25-1, tại UBND phường Khánh Xuân (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu (78 tuổi, phường Khánh Xuân) do có vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự xảy ra vào năm 1985 dẫn đến oan sai. Đó là một ngày lịch sử đối với ông Nguyễn Lâm Sáu.
Ấm lòng ngày Tết
Sau 12.000 ngày oan trái, mang thân phận bị can Tết này ông Sáu mới được hưởng trọn vẹn niềm vui của một công dân sau khi chính thức được minh oan.
Buổi xin lỗi vào ngày 25-1 cũng có nhiều người thân, bạn bè, bà con hàng xóm đến chia vui cùng ông Sáu. “Nhiều bạn bè, người thân của tôi ở khắp nơi đã gọi điện thoại chúc mừng. Tết này tôi vui lắm vì những tình cảm ấy tôi luôn trân trọng”- ông Sáu chia sẻ.
Bà con lối xóm đến nhà chia vui cùng ông Sáu
Ông Sáu ví ngày ông được xin lỗi cũng là một ngày Tết của riêng ông sau 33 năm mang thân phận bị can. Nhiều năm qua ông luôn bị ám ảnh bởi nội dung trong lệnh tạm tha của công an tỉnh có nội dung: "Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định".
Tình tiết vụ án như những thước phim quay chậm được ông Sáu nhớ lại rõ như vừa xảy ra ngày hôm qua.
Ngày ấy sau khi đi học ở Liên Xô về, ông Sáu được điều động vào Đắk Lắk công tác tại nông trường Ea Kao. Tại đây do phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực nên ông đã làm đơn tố cáo đến các cấp chính quyền. Thanh tra tỉnh sau đó đã kết luận nội dung tố cáo của ông là đúng sự thật nhưng hậu quả của việc tố cáo tiêu cực là ông Sáu bị cho nghỉ việc...
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, ngày 14-11-1985, ông Sáu bất ngờ bị công an tỉnh bắt tại nhà riêng vì nghi ngờ buôn bán hàng trái phép. Lệnh bắt không có sự phê chuẩn của VKS, khi công an bắt người không có đại diện chính quyền địa phương chứng kiến. Trong biên bản bắt, công an thu giữ... một chai 65 ml dầu cam đã hư hỏng để làm vật chứng.
Chín ngày sau, ông Sáu được thả bằng “Lệnh tạm tha” của công an tỉnh với nội dung: “Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, đúng giờ”... Nhưng cũng từ đó ông Sáu không hề thấy tờ giấy gọi nào của cơ quan pháp luật. Cũng từ đó ông Sáu và người con trai gửi đơn đi khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.
Bị oan xuyên thế kỷ
Tháng 7-2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương kiểm tra, kết luận vụ việc. Tháng 2-2009, UBND tỉnh có Công văn 398, nội dung là công an tỉnh nhận trách nhiệm làm sai tố tụng trong quá trình bắt tạm giam, tạm tha và không khởi tố vụ án nhưng lại không có quyết định rõ ràng, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần đối với ông Sáu. UBND tỉnh chỉ đạo: “Công an tỉnh phải có văn bản chính thức công khai xin lỗi ông Sáu”...
Tháng 7-2009, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đơn của ông đến VKSND Tối cao xem xét, giải quyết. Ba tháng sau, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chuyển đơn của ông đến Bộ Công an, VKSND Tối cao. Sau đó có nhiều cơ quan khác yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc. Nhưng cuối cùng phải mất 33 năm Công an tỉnh mới chịu công khai xin lỗi vì đã bắt “nhầm” ông Sáu.
Dù chỉ bị tạm giam chín ngày nhưng nó đã khiến ông Sáu từ một công dân tự do, khát khao cống hiến trở thành một bị can và hậu quả kéo dài mãi đến mãi hơn 30 năm sau mới giải quyết xong.
Ông Nguyễn Lâm Sáu
Ông Sáu chia sẻ: “Mùa xuân năm nay, gia đình tôi đã có một cái Tết thật sự, có bánh chưng, có thịt, có dưa, hành, câu đối đỏ, rượu, hoa và với thân phận bị can đã được cởi trói. Dù thời tiết Buôn Ma Thuột năm nay lạnh hơn các năm khác, nhưng lòng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng”.
Ông Sáu cho biết việc công khai xin lỗi ông mới chỉ là bước đầu. Bởi theo quy định của pháp luật, công an tỉnh còn phải làm các thủ tục khác khôi phục quyền công dân cho ông. Đó là các thủ tục pháp lý cần thiết để ông Sáu được minh oan về pháp lý và bồi thường các khoản theo quy định của pháp luật.
“Người ta nói “vô phúc đáo tụng đình", "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Cảm giác đó còn nhân lên gấp bội đối với tôi là một người cán bộ trí thức bị oan. Xin chân thành và trân trọng cảm ơn các nhà báo, luật sư, bạn bè, đồng nghiệp, người thân đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi được minh oan”.
Theo ông Sáu từ sự việc của bản thân, ông thấy rằng không chỉ có sự thiếu trách nhiệm của những người đã hàm oan cho ông Sáu tại thời điểm năm 1985 mà có cả sự vô cảm của những người đã được chỉ đạo sửa sai nhưng không khắc phục ngay.
Vì vậy ông Sáu mong muốn người thi hành công vụ, cơ quan tiến hành tố tụng phải luôn cẩn trọng làm việc với trách nhiệm cao nhất. Nếu lỡ có làm sai thì phải tích cực sửa sai, để những người bị làm oan như ông không phải sống trong uất hận.